Xuất khẩu nông sản tạo đột phá

Cập nhật 08/2/2024, 00:02:29

Xuất khẩu nông sản chính là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng của tỉnh Gia Lai năm 2023. Trong bối cảnh chung gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhất là tình hình thế giới có nhiều tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên với những định hướng đúng đắn trong sản xuất, cùng với việc sản phẩm ngày càng được hoàn thiện về chất lượng, tiêu chuẩn đã đưa nông sản của Gia Lai vững bước tiến vào các thị trường lớn trên thế giới và mang về hàng trăm triệu USD, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh trong năm 2023.

Năm 2023, doanh nghiệp này đã xuất khẩu được hơn 10 nghìn tấn chuối vào các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singgapore, Malaysia…Theo đại diện doanh nghiệp, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ chủ động xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng; đồng thời triển khai sản xuất theo đúng quy trình, tiêu chuẩn xuất khẩu nên doanh nghiệp liên tục ký được các đơn hàng xuất khẩu mới. Công suất hoạt động từ vườn cây đến cơ sở đóng gói cũng chính vì thế luôn được duy trì ở mức tối đa.

Ông Đỗ Văn Hứa – Phụ trách Dự án chuối xuất khẩu, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn, xã Hneng, huyện Đak Đoa cho biết: “Sản phẩm của mình chủ yếu xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản là chính, chiếm khoảng 80%, còn 20% còn lại là các thị trường khác. Đơn hàng là Công ty có kế hoạch trước 3 tháng, từ đó mới chủ động được năng suất, chất lượng để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Thực tế khách hàng rất nhiều, mình làm không đủ để cung cấp cho nhu cầu của khách hàng. Trong năm mới, Công ty đặt ra mục tiêu tiếp cận được các thị trường châu Âu. Thị trường này hiện Công ty chưa tiếp cận được và mục tiêu năm 2024 sẽ tiếp cận vào thị trường này.”

Trái cây là mặt hàng xuất khẩu mới của tỉnh Gia Lai trong những năm gần đây. Mặc dù mới nhưng nhiều sản phẩm như: Sầu riêng, chuối, chanh dây, xoài, thanh long, mít, dưa hấu…đã đủ các tiêu chuẩn để đi theo con đường chính ngạch vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có cả thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Từ những thành công ban đầu, các doanh nghiệp và HTX đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để gia tăng số lượng hàng hoá xuất khẩu, đồng thời mở rộng thị trường nhằm mang về hiệu quả và giá trị cao nhất.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp cây ăn trái Tây Nguyên nói: “Như đối với sản phẩm chanh dây tươi, hiện chúng ta đi qua châu Âu bằng đường hàng không nên không thể cạnh tranh được với sản phẩm từ Nam Mỹ. Chính vì thế, HTX đang hợp tác nghiên cứu để kéo dài thời gian bảo quản quả chanh dây, đảm bảo vận chuyển bằng đường biển, giải quyết bài toán logistic cho sản phẩm chanh dây. Tạo lợi thế nhất định đi vào thị trường châu Âu.”

Năm 2023 xuất khẩu trái cây của Gia Lai đã mang về khoảng 150 triệu USD, tăng 30 triệu USD so với năm 2022. Hoạt động xuất khẩu trái cây thuận lợi một phần là nhờ việc tổ chức sản xuất được thực hiện bài bản, đảm bảo được các yêu cầu của thị trường. Nhất là việc xây dựng được nhiều mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 212 mã số vùng trồng, với tổng diện tích trên 9 nghìn 300 ha và 34 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói từ 1 nghìn 395 tấn đến 1 nghìn 545 tấn quả tươi/ngày.

Cùng với các mặt hàng nông sản mới xuất khẩu thì các nông sản chủ lực của tỉnh như: Cà phê, hồ tiêu, mủ cao su…vẫn khẳng định được vai trò là “con át chủ bài” và duy trì tốt sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Gia Lai đạt 680 triệu USD, riêng xuất khẩu cà phê đã mang về 490 triệu USD, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết: “Hiện nay chuyển đổi số và số hóa cũng giải quyết một phần về chi phí đầu vào. Các đơn hàng xuất khẩu thì các doanh nghiệp cũng kiên trì với chính sách của từng doanh nghiệp để phát triển bền vững/ Những năm gần đây, giá cà phê Robusta tăng rất cao, điều này rất kỳ diệu. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, riêng ngành Cà phê là một trong những ngành có tăng trưởng, lợi nhuận cho nền kinh tế.”

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Gia Lai trao đổi: “Nếu chúng ta làm tốt việc sản xuất theo tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc và đẩy mạnh quảng bá nông sản Gia Lai đến các thị trường thì việc xuất khẩu sẽ gặp thuận lợi hơn, đạt kết quả cao hơn. Năm 2024, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch tổ chức các hội nghị, hội thảo, các diễn đàn để tiếp tục tổ chức lại sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại và đặt lên hàng đầu là xuất khẩu nông sản.”

Những bước đột phá trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản của tỉnh trong năm 2023 sẽ là những tiền đề vững chắc, chắp cánh cho nông sản Gia Lai vươn xa, vươn cao trên thị trường thế giới. Những mục tiêu mới đặt ra sẽ được thực hiện bằng nỗ lực và quyết tâm cao nhất của mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp, HTX và mỗi người nông dân

Ngọc Hà – Viễn Khánh


Lượt xem:

Trả lời