Mật ong hoa cà phê: Món quà của núi rừng

Cập nhật 08/2/2024, 07:02:44

Cà phê là một trong những sản phẩm chủ lực của vùng đất Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Với diện tích, sản lượng cao, cà phê là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của tỉnh. Từ lợi thế của địa phương, nhiều người nuôi ong đã tận dụng, phát huy giá trị đặc trưng của mật ong hoa cà phê. Giá trị ấy lại được nâng lên bởi trong năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp văn bằng bảo hộ cho Mật ong hoa cà phê Gia Lai. Đó chính là động lực cho các hộ nuôi ong tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng sản phẩm mật ong hoa cà phê trong thời gian tới.

Gắn bó với nghề với nghề nuôi ong được hơn 10 năm, anh Phạm Văn Thứ cho biết: Mật ong hoa cà phê là đặc sản của Gia Lai, khi thu hoạch loại mật này trùng với thời điểm hoa cà phê nở rộ và 1 năm thu hoạch một lần. Mật ong hoa cà phê có màu vàng sẫm, ngọt sắc mà không gắt, có mùi thơm đặc trưng của cà phê, đặc sánh. Đặc biệt, loại mật ong này dù có để lâu ngày cũng không bị ngả màu hay đóng đường.

Anh Phạm Văn Thứ – Xã Ia Hrung, huyện Ia Grai nói: “Mỗi loại mật đều có màu sắc riêng, đặc trưng riêng, riêng hoa cà phê đặc trưng riêng của nó là mùa hổ phách, màu đỏ đỏ một xíu, khi mình thưởng thức thì nó có vị thanh, ngọt đậm. Mùa hoa trên Tây Nguyên nở rộ từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm thì hoa rất là nhiều nên cho ra sản lượng cũng khá là tốt, chất lượng rất là thơm ngon.”

Từ lâu, mật ong Tây Nguyên nói chung, mật ong hoa cà phê của Gia Lai nói riêng đã nức tiếng gần xa bởi chất lượng hảo hạng. Toàn tỉnh hiện có 96.000 đàn ong với 292 hộ nuôi và 4 cơ sở, doanh nghiệp nuôi ong lấy mật từ hoa cà phê. Tổng sản lượng mật khoảng 2.000-3.000 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng mật của cả nước; chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chiếm khoảng 80% sản lượng mật ong toàn tỉnh, số còn lại tiêu thụ nội địa và xuất sang thị trường EU. Với những đặc trưng riêng, mật ong hoa cà phê của Gia Lai được nhiều người biết đến bởi chất lượng và giá trị sản phẩm mang lại.

Bà Trần Thị Hoàng Anh – Giám đốc HTX Mật ong Phương Di, TP. Pleiku cho biết: “Chất lượng sản phẩm phải đi đầu từ nguồn gốc của nó, xuất phát từ vườn ong, người nuôi ong thì hợp tác xã chúng tôi khi thành lập nên hợp tác xã mật ong Phương Di, quan trọng nhất là chất lượng, luôn phối hợp với nông dân quản lý từ thức ăn, đầu vào cho ong ăn, quan trọng nhất là không dùng kháng sinh để nuôi ong để không có những kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở trong đó, có sổ ghi chép hằng ngày để quản lý đàn ong.”

Gia Lai hiện có hơn 97.000 ha cà phê, đây là một trong những lợi thế để phát triển nghề nuôi ong. Nhằm tiếp tục nâng cao giá trị của mật ong, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê của tỉnh Gia Lai”. Dự án hoàn thành sẽ góp phần nâng cao danh tiếng, giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước của sản phẩm Mật ong hoa cà phê của Gia Lai.

Ông Lê Huy Anh – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi: “Mật ong hoa cà phê, chúng tôi cho rằng đây là sản phẩm có tính đặc thù, có chất lượng tốt, gắn với sản phẩm đặc thù của địa phương là cây cà phê. Mật ong hoa cà phê có 2 tiêu chí rất là rõ, thứ nhất là về mặt nguồn gốc địa lý, thứ 2 về mặt chất lượng đặc thù gắn với hoa cà phê, nó là một số sản phẩm chủ lực của tỉnh Gia Lai. Hai yếu tố đó cùng với yếu tố khác chất lượng đặc trưng cho sản phẩm mật ong.”

Từ núi rừng, Mật ong hoa cà phê được xem như món quà tặng quý hiếm cho sức khoẻ. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings đã công bố sản phẩm Mật ong Gia Lai thuộc Top 10 đặc sản làm quà tặng nổi tiếng của nước ta. Cùng với đó, việc cấp văn bằng bảo hộ cho Mật ong hoa cà phê Gia Lai đã tạo tiền đề thúc đẩy nghề nuôi ong phát triển, giúp tăng thu nhập, ổn định sinh kế cho nhiều người dân theo hướng bền vững.

Thúy Diện – Minh Trung


Lượt xem: 4

Trả lời