Pui Dup – Người truyền lửa đam mê cồng chiêng

Cập nhật 08/2/2024, 07:02:54

Say mê với những bài chiêng, tiếng cồng, từ tuổi niên thiếu, anh Puih Dup ở làng Blang 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai đã mày mò học cách đánh cồng chiêng từ các già làng, nghệ nhân trong làng… Đến nay, Puih Dup đã trở thành nghệ nhân đánh cồng chiêng giỏi và hiện tại đang “truyền lửa” đam mê cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện Ia Grai để gìn giữ văn hóa truyền thống cho mai sau.

Là người gắn bó với đội cồng chiêng nhí của làng Blang 3 từ những ngày đầu tiên, nghệ nhân Puih Dup đã truyền dạy lại cách biểu diễn cồng chiêng cho lớp trẻ bằng tất cả sự nhiệt huyết và tận tâm. Hiện nay, đội cồng chiêng nhí làng Blang 3 có 18 thành viên là nam và đội múa xoang có 18 thành viên là nữ. Tuy mới ra mắt chính thức được gần 1 năm nay nhưng đội cồng chiêng nhí của làng Blang 3 đã được hình thành hơn chục năm nay và có nhiều thế hệ tham gia. Cứ thế lớp lớp trẻ con của làng lớn lên với tình yêu, sự gắn bó với thanh âm trầm bổng của cồng chiêng, với những giá trị văn hóa của dân tộc.

Em Puih Hlao – Làng Blang 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai bày tỏ: “Thế hệ trẻ giống như em được tham gia giữ gìn bản sắc dân tộc em cảm thấy rất vui. Khi thầy Dup dạy chúng em múa dạy chúng em đánh cồng chiêng em thấy rất tự hào và cảm ơn thầy và tự hào về bản sắc dân tộc mình.”

Em Puih Thắng – Làng Blang 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai phấn khởi nói: “Khi được thầy Dup chỉ dạy em và các bạn em thấy rất vui/ Em mong muốn sẽ được góp phần bảo vệ văn hóa dân tộc em.”

Nghệ nhân Puih Dup – Làng Blang 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai chia sẻ: “Là người Jrai thì mình phải duy trì, không để mất bản sắc của người đồng bào mình. Khi mình dạy mình cũng cố gắng làm sao cho mấy đứa nhỏ nó học được, miễn sao mất đứa nhỏ nó tập được nên mình ráng. Tháng này chưa được thì tháng sau nó tập được.”

Đam mê đánh cồng chiêng và hiểu được giá trị, vốn quý của cồng chiêng đối với đời sống văn hóa tinh thần của người Tây Nguyên, nghệ nhân Puih Dup luôn mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo này.

Vì vậy, nghệ nhân Puih Dup luôn kiên trì, chỉ dạy tận tình; đồng thời tạo điều kiện cho đám trẻ trong làng được trình diễn, giao lưu học hỏi. Đến nay, các thành viên đội cồng chiêng nhí làng Blang 3 đã diễn tấu thành thạo các bài chiêng phổ biến. Với mỗi bài chiêng mới, nghệ nhân Pụi Dup luôn tận tình hướng dẫn từng em cách đeo chiêng, cầm nắm, gõ để tạo ra âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu phù hợp.

Em Puih Nay Thiên – Làng Blang 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai nói: “Em đã học cồng chiêng 3 năm rồi, em rất mong muốn là sau này có thể chỉ dạy lại cho các em nhỏ. Lúc đầu em học rất khó nhưng được thầy chỉ dạy nên em thấy dễ hơn nhiều.”

Nghệ nhân Puih Dup – Làng Blang 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai tâm sự thêm: “Tôi cũng cảm ơn mấy đứa nhỏ cũng đã tập chăm chỉ, cố gắng. Sau này tuổi mình già đi, không có sức đánh nữa thì bọn nhỏ này sẽ đi.”

Puih Dup là 1 trong 14 nghệ nhân của tỉnh Gia Lai đã tham gia Lễ hội âm thanh thế giới Jeonju tại Hàn Quốc diễn ra tháng 9 năm 2023, giới thiệu đến bạn bè quốc tế những gì đặc sắc nhất, tinh túy nhất của văn hóa Tây Nguyên, nhất là Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản văn hoá phi vật thể đã được UNESCO vinh danh.

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều nghệ nhân trẻ như Puih Dup vẫn luôn dành nhiều tâm huyết, truyền được ngọn lửa đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ, góp phần “giữ hồn” văn hóa dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên là điều rất đáng quý.

Linh Chi – Huy Toàn – Minh Trung


Lượt xem: 13

Trả lời