Kết nối giao thông – Đánh thức tiềm năng

Cập nhật 07/2/2024, 20:02:41

Từ nguồn vốn Trung ương đầu tư và một phần đối ứng ngân sách địa phương, tỉnh Gia Lai đã từng bước hoàn thiện, đưa vào sử dụng hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng sâu vùng xa, vùng biên giới với vùng thuận lợi; hình thành hệ thống trục giao thông liên hoàn, tạo đòn bẩy quan trọng để đánh thức tiềm năng, lợi thế các vùng; nhất là vùng động lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đăc biệt, đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 6 tuyến quốc lộ với chiều dài hơn 723 km, 10 tuyến tỉnh lộ với chiều dài 372 km cùng kết nối với gần hơn 11.000 km đường huyện, đường đô thị.

Giao thông đi trước, mở đường phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động với các nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó,  tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, đó là các tuyến đường bộ mang tính kết nối, đột phá nhằm khơi thông điểm nghẽn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Từ đó, hàng loạt dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông cùng với việc đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, đường liên huyện đã tạo nên hệ thống giao thông liên kết chặt chẽ, kỳ vọng tạo sức bật để tỉnh bứt phá trong tương lai. Chỉ tính trong giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh có 16 công trình giao thông trọng điểm được triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư 8.097 tỷ đồng. Đây là những công trình giao thông huyết mạch được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới kết nối với các tuyến giao thông trọng điểm vùng thuận lợi, tạo nên trục giao thông liên hoàn, đánh thức tiềm năng, lợi thế các địa phương, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Gia Lai: Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm về đích

Năm 2023, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đan xen sau đại dịch Covid-19, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai và sự cộng đồng trách nhiệm từ các sở, ngành liên quan của tỉnh, UBND các địa phương trong tỉnh, các chủ đầu tư và nhà thầu thi công; hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt về đích, thậm chí sớm hơn so với kế hoạch đề ra, tạo nên những gam màu tươi sáng trong tổng thể bức tranh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Chạy đua với thời gian, Dự án Đường liên huyện Chư Sê – Chư Pưh – Chư Prông với chiều dài toàn tuyến 32,75 km, tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng vừa về đích vào những ngày cuối cùng của năm 2023 và kết nối với Đường liên huyện Chư Păh – Ia Grai – Chư Prông – Đức Cơ tạo thành tuyến giao thông khép kín phía Tây của tỉnh Gia Lai với tổng chiều dài hơn 150 km. Tuyến đường đã hiện thực hóa mơ ước của Nhân dân, nhất là Nhân dân vùng biên giới về con đường kiên cố, giao thông đi lại thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Lái xe Nguyễn Văn Phú nói: “Bây giờ làm được tuyến đường như đi tắt đấy, dứt khoát là phải có lợi rồi. Lợi cả đường đi, lợi cả công vận chuyển. Nhìn chung là thuận lợi mọi chuyện.”

Trước thềm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Dự án Đường giao thông kết nối các xã: Ia Mlah, Phú Cần và thị trấn Phú Túc với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương; trong đó tổng giá trị hợp đồng xây lắp hơn 73,7 tỷ đồng do UBND huyện Krông Pa làm chủ đầu tư cũng đã kịp hoàn thành toàn bộ khối lượng và về đích sớm hơn 10 tháng so với kế hoạch đề ra.

Ông Hồ Văn Thảo – Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: “Vùng mà tuyến đường đi qua rộng cả ngàn hecta và nằm trong vùng tưới Công trình Thủy lợi Ia Mlah và đi qua phần lớn đất sản xuất của người dân. Chính vì vậy khi đầu tư tuyến đường này thì rất hiệu quả. Hiệu quả là làm cho chi phí sản xuất của người dân giảm, thu nhập tăng lên và khi đầu tư tuyến đường đây thì nhân dân rất phấn khởi.”

Quyết tâm đưa các dự án giao thông trọng điểm về đích được cả hệ thống chính trị, các ngành, chủ đầu tư và nhà thầu thi công trên địa bàn tỉnh Gia Lai triển khai quyết liệt. Từ đó, trong năm 2023, hàng loạt các dự án có tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng đã về đích trong sự hân hoan, phấn khởi của các cấp chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó phải kể đến các dự án trọng điểm: Nâng cấp, mở rộng các đường Tỉnh lộ: 663, 664, 665; Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Chí Thanh (thành phố Pleiku); Đường liên huyện Chư Sê – Chư Pưh – Chư Prông; Dự án Đường giao thông kết nối các xã: Ia Mlah, Phú Cần và thị trấn Phú Túc, huyện Kông Pa và nhiều công trình giao thông trọng điểm khác.

Ông Đoàn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai trao đổi: “Chúng ta có thể thấy đây là bước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông rất mạnh mẽ và đây cũng là tiền đề chúng ta tiếp tục đầu tư để có hạ tầng giao thông đồng bộ, mang tính kết nối vùng, kết nối khu vực và mang tính lan tỏa cao. Khi đưa vào khai thác sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của các địa phương.”

Xuyên Tết thi công dự án giao thông trọng điểm

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 20/01/2022 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh đến năm 2030; ngành Giao thông tỉnh sẽ đoàn kết, nỗ lực cố gắng và phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan của tỉnh, chính quyền các địa phương tiếp tục hoàn thành và đưa hàng loạt dự án giao thông trọng điểm về đích. Và ngay trong những ngày Tết này, không khí thi công tại một số công trình giao thông trọng điểm của tỉnh vẫn diễn ra khá khẩn trương.

Trên công trường thi công Gói thầu số 7 – Cầu Biển Hồ thuộc Dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Quốc lộ 19) của tỉnh Gia Lai, không khí thi công đang diễn ra hết sức khẩn trương. Để đảm bảo tiến độ đề ra, 2 nhà thầu liên doanh đã huy động tối đa phương tiện máy móc, nhân lực để thi công xuyên Tết.

Ông Nguyễn Văn Quảng – Công ty Cổ phần xây dựng công trình 510 (Chỉ huy trưởng thi công cầu Biển Hồ) nói: “Phải thi công vượt tiến độ, đề ra các mốc thời gian. Cho nên tinh thần của anh em là vẫn làm ngày, làm đêm để mà thực hiện được kế hoạch mà lãnh đạo đề ra.”

Việc hoàn thiện mạng lưới giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường liên huyện được xem là bước đột phá nhằm thúc đẩy liên kết giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn, gia tăng kết nối giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai để phát triển nhanh và bền vững. Năm 2024, cùng với việc tiếp tục hoàn thành và đưa hàng loạt dự án giao thông trọng điểm về đích, tỉnh Gia Lai đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để khởi công nhiều dự án khác mang tính kết nối cao.

Ông Đoàn Hữu Dũng – Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai cho biết: “Với vai trò là tham mưu cho UBND tỉnh quản lý giao thông trên địa bàn tỉnh thì chúng tôi sẽ chủ động tưng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương để triển khai, làm sao các công trình phải đảm bảo tiến độ, giải ngân trong năm 2024 cũng như đảm bảo chất lượng công trình khi đưa vào khai thác.”

Hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện, đặc biệt là những tuyến quốc lộ, đường liên huyện, vành đai được đầu tư đã gia tăng tính kết nối giữa các vùng trong khu vực. Đây chính là điểm tựa để tạo nên tính liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và gia tăng kết nối với các tỉnh lân cận; mang lại điều kiện sống, phát triển kinh tế tốt hơn cho người dân từ thành thị đến nông thôn và vùng biên giới trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là đánh thức các tiềm năng, thế mạnh để mỗi địa phương trong tỉnh mạnh dạn bứt phá trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đưa Gia Lai phát triển nhanh và bền vững. Đến đây, phần trình bày tiêu điểm “Kết nối giao thông – Đánh thức tiềm năng” xin được khép lại.

Đoàn Bình – Thanh Sáng

         


Lượt xem: 3

Trả lời