Gia Lai – Cơ hội thu hút đầu tư mở rộng

Cập nhật 07/2/2024, 20:02:57

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Gia Lai tập trung thực hiện trong năm 2024. Đó là tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, tạo sự đột phá về tăng trưởng kinh tế dựa vào tiềm năng, lợi thế hiện nay tỉnh còn nhiều dư địa.

Cơ hội đầu tư vào tỉnh Gia Lai

Từ năm 2021 đến nay, có 122 dự án được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 30 ngàn tỷ đồng. Riêng trong năm 2023 có 41 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 5.112 tỷ đồng.

Nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch là những lĩnh vực mà tỉnh Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế và đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, khai thác có hiệu quả, tạo nên các giá trị kinh tế lớn, góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây.

Ngoài những lĩnh vực nêu trên, một lĩnh vực tuy còn mới song lại được nhận định là tỉnh Gia Lai rất có tiềm năng để phát triển, đó chính là ngành dịch vụ logistics.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương trao đổi: “Gia Lai nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên và có tiếp giáp với Campuchia và cũng rất gần với cả Lào. Đây là nơi có hoạt động sản xuất nông sản rất lớn và các loại cây trồng phong phú. Mặc khác, Gia Lai cũng có điểm thuận lợi khi tiếp cận với Duyên hải miền Trung thông qua các khu vực cảng ở Quảng Nam, Bình Định. Tuy nhiên từ trước đến nay hoạt động logistics ở Gia Lai phát triển chưa được như mong muốn và đặc biệt thiếu các doanh nghiệp lớn. Thế mạnh của Gia Lai là mặt hàng nông sản với một khối lượng rất lớn thì việc vận chuyển hàng nông sản làm sao để có được cái hiệu quả cao, chi phí thấp cũng như giữ được chất lượng của các mặt hàng nông sản cũng là một mục tiêu cho hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai.”

UBND tỉnh Gia Lai xác định phát triển dịch vụ logistics là đòn bẩy cho hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa phát triển, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh và đây là lĩnh vực đang được tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm ưu tiên thu hút đầu tư.

Ông Phạm Văn Binh – Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai thông tin: “Chúng tôi tham mưu UBND tỉnh 5 giải pháp: Rà soát lại quy hoạch kế hoạch; tập trung phát triển hạ tầng logistics; cải thiện môi trường đầu tư, các thủ tục hành chính là ưu tiên đầu tiên cho DN; đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, tham mưu về chính sách, thu hút con em Gia Lai để tham gia. Cuối cùng là tập trung công tác tuyên truyền để tạo sự lan tỏa. UBND tỉnh đã có Kế hoạch đến năm 2025. Tuy nhiên đây là Kế hoạch tổng thể, thông qua các ý kiến của các chuyên gia, hiện nay chúng tôi đang tổng hợp các ý kiến để tham mưu. Muốn phát triển thì phải có doanh nghiệp đầu nối để hỗ trợ phát triển logistics.”

Phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Quế – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Phóng viên Hồng Uyên: “Thưa ông! Một trong những điểm sáng của tỉnh Gia Lai là đã tạo được làn sóng đầu tư và có nhiều dự án đã được triển khai, vậy ông đánh giá như thế nào về kết quả thu hút đầu tư vào Gia Lai trong thời gian qua?:”

Ông Nguyễn Hữu Quế – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: “Năm 2023, các dự án đầu tư và vốn đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận tăng gấp đôi so với năm 2022. Tuy nhiên nhìn nhận các dự án này tập trung vào nông nghiệp, chăn nuôi, chưa có các dự án công nghiệp, tạo ra các sản phẩm mang tính cạnh tranh, thiếu dự án hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Trong năm 2024, sau khi các cấp độ quy hoạch đã được hoàn thiện thì các dự án này sẽ được đồng loạt thực hiện, làn sóng đầu tư 2024 sẽ tạo cho bức tranh kinh tế sáng hơn.”

Phóng viên Hồng Uyên: “Gia Lai những năm qua được đánh giá là địa phương thu hút các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề, nhất là các dự án điện gió, vậy tỉnh Gia Lai kiến nghị với trung ương để tháo gỡ những khó khăn đó như thế nào?”

Ông Nguyễn Hữu Quế – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Ông Nguyễn Hữu Quế – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: “Gia Lai là thủ phủ, có điều kiện để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời; tuy nhiên để phát triển phải có nhiều yếu tố kèm theo. Bởi vì dự án là phát điện toàn quốc, nên phải tổng hòa trong hệ thống quốc gia. Vì vậy phải được sự điều tiết của EVN và dự án nào phải có hiệu quả tốt nhất mới được chấp thuận đầu tư. Do vậy quá trình triển khai trong năm 2024 Bộ Công Thương cân nhắc việc phân bổ. Gia Lai đề nghị với Bộ tăng chỉ tiêu để phát hết công suất mà chúng ta đã có.”

Phóng viên Hồng Uyên: “Những năm gần đây Gia Lai nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các dự án chăn nuôi. Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện phát sinh một số vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường. Rút kinh nghiệm trong thời gian qua thì sắp tới Gia Lai sẽ tính toán lại như thế nào trong vấn đề thu hút đầu tư để đảm bảo chúng ta không đánh đổi môi trường đổi lấy giá trị kinh tế, thưa ông?”

Ông Nguyễn Hữu Quế – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai: “Các dự án đều có tác động đánh giá môi trường, nếu nhà đầu tư thực hiện đúng thì sẽ đảm bảo. Tuy nhiên có những dự án gây ảnh hưởng môi trường, nguyên nhân là do nhà đầu tư quá trình thực hiện đã chạy theo lợi nhuận, làm môi trường bị ảnh hưởng. Vì vậy bên cạnh thu hút đầu tư thì các ngành, địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Nếu dự án nào không đảm bảo thì sẽ bị xử lý, thậm chí là dừng thực hiện đối với dự án đó.”

Hồng Uyên – Viễn Khánh – Phi Long


Lượt xem: 2

Trả lời