Dấu ấn văn hóa nổi bật tỉnh Gia Lai năm 2023

Cập nhật 07/2/2024, 21:02:28

Chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa được tổ chức bài bản, công phu, khái quát bức tranh văn hóa nổi bật ở tỉnh Gia Lai trong năm 2023 đã truyền đi thông điệp của vùng đất Tây Nguyên đại ngàn tới người dân và du khách bốn phương.

2023 – Năm của những sự kiện văn hóa đặc sắc

Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 với chuỗi các hoạt động diễn ra tại TP. Pleiku và huyện Chư Pah, huyện Ia Grai là dấu ấn nổi bật trong năm. Trong đó, thành công rực rỡ của Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên – Gia Lai là hoạt động điểm nhấn trong chuỗi sự kiện này. Sau 5 năm, kể từ Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 diễn ra tại Gia Lai, các nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên lại mới có một cuộc hội ngộ đầy thăng hoa với người bạn tri kỷ mang tên cồng chiêng. Điều đó đã được thể hiện sinh động trong chương trình khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch và Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên – Gia Lai năm 2023. Hơn 1 ngàn nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên của 5 tỉnh Tây Nguyên đã cùng hoà nhịp, diễn xướng, tấu lên những bản nhạc mang âm hưởng, hơi thở của núi, của rừng, của sông, suối Tây Nguyên đại ngàn, tạo nên những cảm xúc khó tả với du khách, công chúng khắp nơi trên thế giới.

Anh Bruce Dunn – Du khách Scotland chia sẻ: “Tôi rất vui khi tham gia lễ hội của người Tây Nguyên. Tôi thực sự ngạc nhiên và bất ngờ bởi sắc màu văn hóa rất thú vị của các bạn, khác hẳn với những vùng đất tôi đã đi qua.”

Chị Hồ Tuyết Hoàng Ba Ly – Du khách thành phố Đà Nẵng vui vẻ cho biết: “Khi mình nghe một tiếng cồng, tiếng chiêng thì như nghe một điệu nhạc rất quen thuộc, đó là niềm tự hào của mình và hôm nay rất hạnh phúc khi có mặt ở đây để thưởng thức Chương trình nghệ thuật về cồng chiêng; rất là vui và hạnh phúc. Đây là một kỷ niệm khó quên trong chuyến đi Gia Lai lần này.”

Nghệ Nhân A Víu – Đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum bày tỏ: “Tôi rất là hạnh phúc khi được gặp gỡ các dân tộc ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Đây là dịp rất tốt để các dân tộc gặp gỡ, giao lưu giới thiệu trang phục, văn hoá của mỗi dân tộc trong Tây Nguyên của chúng ta.”

Nghệ nhân Đinh Văn Loát – Xã Ya Hội, huyện Đak Pơ, Gia Lai chia sẻ: “Từng vùng, từng dân tộc thì bản sắc cồng chiêng sẽ khác nhau, nhưng một khi đã về đây thì tất cả chúng ta cùng phối hợp, cùng đoàn kết, thống nhất một nhịp chiêng, một bài ca, một điệu xoang, vui tưng bừng…”

Qua sự kiện này, Gia Lai đã, đang tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối văn hóa giữa các tỉnh Tây Nguyên trong việc thực hiện cam kết với UNESCO về hoạt động tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên lên tầm cao mới.

Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên – Gia Lai như một bản hòa tấu tuyệt đẹp, đọng lại dư âm khó quên ngay cả khi đã kết thúc.

Ông Trần Ngọc Nhung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH, TT&DL Gia Lai nói: “Đây là lễ khai mạc có đoàn nghệ nhân tham gia đông nhất từ trước đến nay ở Việt Nam chúng ta. Sự kiện này, Sở cũng đang triển khai để xác nhận kỷ lục Guinness Việt Nam.”

Là một trong những sự kiện mở màn cho chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai năm 2023 là Chương trình Nghệ thuật thời trang thổ cẩm Gia Lai ơi, do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty TNHH Vietmode tổ chức. Các diễn viên, nghệ nhân người DTTS ở tỉnh Gia Lai và các nghệ sĩ, người mẫu đã kể một câu chuyện thổ cẩm độc đáo, mang nhiều thanh âm, sắc màu. Chương trình đã truyền đi thông điệp về sự hoà quyện giữa nét đẹp nghệ thuật với tinh hoa văn hoá mang đậm dấu ấn của vùng đất Gia Lai, Tây Nguyên.

Chuỗi các hoạt động, sự kiện hưởng ứng của các địa phương trong Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai năm 2023 cũng đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng du khách, như: Ngày hội Văn hóa – Du lịch TP. Pleiku và Giải chạy Gia Lai City trail 2023 – Giấc mơ đại ngàn, Lễ hội Hoa dã quỳ núi lửa Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh; Hội đua thuyền độc mộc tranh cúp A Sanh năm 2023 huyện Ia Grai… Tất cả đã tạo nên một không gian lễ hội Tây Nguyên lung linh, rực rỡ sắc màu…

Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ II-2023 cũng là sự kiện mang đậm dấu ấn, quy tụ đông đảo nghệ nhân trong tỉnh tham gia, mang tinh hoa, di sản văn hóa được trao truyền và kế thừa để giới thiệu tới công chúng, thông qua các hoạt động, như: Phục dựng các lễ hội truyền thống, trình diễn cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; trình diễn tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm; trưng bày, giới thiệu đặc sản, ẩm thực địa phương.

Tiếp đến là Chương trình “Thiên đường Tây Nguyên – Gia Lai” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. TP. Pleiku cũng thắm đượm và toả sắc văn hoá Tây Nguyên.

Cũng trong năm 2023, văn hóa Gia Lai đã tham gia xuất ngoại, khi cử đoàn nghệ nhân 14 người Jrai tham dự Lễ hội Âm thanh thế giới Jeonju tại Hàn Quốc…

Ông Trần Ngọc Nhung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH, TT&DL Gia Lai thể hiện quyết tâm: “Với kết quả đó, Nhân dân trong và ngoài tỉnh đã thấy được qua truyền thông trong việc bảo tồn văn hóa năm 2023 của tỉnh chúng ta là hết sức được quan tâm. Tỉnh đã ban hành kế hoạch, đề án bảo tồn cồng chiêng giai đoạn 2023-2025, thực hiện nhiệm vụ đó, ngay trong năm 2023, Sở đã tập trung cho sự kiện cồng chiêng cuối tuần thưởng thức và trải nghiệm diễn ra vào tối thứ 7, từ 19-21h. Bên canh đó, từ đầu tháng 10, Sở triển khai Chương trình Săc màu văn hóa Gia lai – Bảo tồn và phát triển – Đây là 2 sự kiện có tác dụng to lớn trong bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.”

Nâng tầm giá trị văn hóa, di sản, kích cầu du lịch phát triển

Năm 2023 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của tỉnh Gia Lai. Qua các hoạt động, sự kiện được tổ chức quy mô, bài bản, cho thấy sự thay đổi nhận thức rất lớn của cấp ủy, chính quyền các địa phương về vai trò và sức mạnh của văn hóa, nâng tầm giá trị di sản, để văn hóa thực sự thấm sâu trong đời sống người dân, trở thành động lực cho sự phát triển vững bền…

Ông Nguyễn Xuân Hà – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Pleiku, Gia Lai cho biết: “Các hoạt động, lễ hội văn hóa – du lịch được tổ chức trong năm 2023, giúp thành phố quảng bá các giá trị văn hóa, du lịch, đưa di sản văn hóa đến gần hơn với người dân và du khách. Thông qua những sự kiện như vậy, thành phố đồng thời tuyên truyền, giáo dục cộng đồng gìn giữ bản sắc văn hóa. Người dân cũng có ý thức hơn về giá trị của văn hóa trong sự phát triển. Năm 2024, thành phố sẽ tiếp tục duy trì và tổ chức những sự kiện đã tạo nên thương hiệu, đặc biệt là trong dịp Tết năm nay cũng sẽ có nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức…”

Ông Trần Ngọc Nhung – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH, TT&DL Gia Lai nhấn mạnh: “Với kết quả của năm 2023, chúng tôi sẽ phát huy hơn nữa triển khai trong năm 2024. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai Ngày hội văn hóa các dân tộc lần thứ 3 năm 2024. Đây là sự kiện đã để lại dấu ấn trong năm 2022, 2023, đồng thời tiếp tục tham mưu cho tỉnh tổ chức các sự kiện văn hóa thường kỳ, có thể sẽ tiếp tục tổ chức Tuần văn hóa như năm 2023, vì còn liên quan đến nguồn lực thì chúng tôi sẽ tham mưu cách tổ chức sao cho phù hợp.”

Chúng ta tạo ra nhiều sự kiện thể thao, văn hóa là để thu hút du lịch, vấn đề Sở đặt ra là tổ chức các lễ hội, sự kiện mang tầm toàn quốc và khu vực, và luôn luôn đổi mới, tìm cách làm hay nhất để tạo dấu ấn, niềm tin, quảng bá hình ảnh con người, văn hóa của chúng ta đến với du khách.

Một mùa Xuân mới lại về, xuân tràn ngập muôn nơi, sắc mai vàng khoe thắm, hoa cà phê bung nở tỏa hương thơm ngào ngạt…

Tây Nguyên – Vùng đất đa sắc màu văn hóa đã, đang hội nhập và phát triển đi lên cùng đất nước.

Đến Gia Lai, Tây Nguyên để được đắm mình trong âm thanh trầm hùng, rộn rã của tiếng cồng chiêng và những điệu xoang làm đắm say lòng người, và cùng hòa mình vào không gian của lễ hội – đó sẽ là những trải nghiệm thú vị với mỗi du khách phương xa./.

Song Nguyễn – Viễn Khánh – R Piên – Ksor Tuối – Huy Toàn


Lượt xem: 5

Trả lời