Bảo tồn di tích lịch sử trong dòng chảy hiện tại

Cập nhật 08/2/2024, 00:02:00

Gia Lai là vùng đất có truyền thống lịch sử hào hùng, nhiều địa danh, con người nơi đây gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng trong lịch sử dân tộc. Gia Lai đang duy trì và thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử. Từ đó, có tác dụng to lớn đối với việc xây dựng tinh thần cách mạng, yêu nước và đoàn kết trong cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống.

Đầu Xuân mới, về thăm lại Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya thuộc địa bàn xã Uar và xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, những cựu chiến binh không khỏi xúc động khi thấy Khu căn cứ được Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam sông Ba, tỉnh Gia Lai quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Nhẹ bước nơi chiến trường xưa, những ký ức về một thời hào hùng vẫn còn vẹn nguyên với các cựu chiến binh từng anh dũng chiến đấu với quân thù trong những năm kháng chiến tại nơi này.

Ông Phạm Ngọc Lợi – Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk bày tỏ: “Bản thân tôi rất cảm động, qua bao nhiêu năm quay trở lại nơi mình đã sống chiến đấu và từng chứng kiến đồng đội mình hy sinh và ngã xuống.”

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya được Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk chọn làm nơi xây dựng căn cứ kháng chiến của tỉnh. Đây là căn cứ đầu não, ghi dấu nhiều chiến công hiển hách, khẳng định sự trưởng thành của Đảng bộ và chính quyền cách mạng tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ – Dliê Ya vừa được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia, đã đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai trong việc phát huy giá trị lịch sử cách mạng của địa phương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng cho Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Đặc biệt, đối với huyện Krông Pa, khu di tích cấp quốc gia nằm trên địa bàn của huyện có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ gắn với phục vụ phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Tiến Đãng – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết: “Huyện Krông Pa sẽ phối hợp cùng các cơ quan có liên quan tiếp tục bảo tồn, bảo vệ các giá trị liên quan đến di tích. Tăng cùng giáo dục đến các tầng lớp nhân dân về giá trị lịch sử của di tích, tăng cường quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ khu di tích, từ đó phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng huyện Krông Pa ngày càng đi lên.”

Gia Lai là vùng đất có truyền thống lịch sử, cách mạng lâu đời, gắn với nhiều giai đoạn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Nơi đây, có hệ thống di tích lịch sử cách mạng đa dạng và phong phú. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 35 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt đó là Tây Sơn Thượng đạo và Rộc Tưng-Gò Đá; 9 di tích quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Các di tích đã trở thành “địa chỉ đỏ”, góp phần tô điểm, làm sáng lên truyền thống cách mạng hào hùng của cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Ông Rơ Mah Thanh – Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Gào, TP. Pleiku chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên gặp mặt, trao đổi về truyền thống của xã Gào cho các cháu để xây dựng, bảo vệ đất nước, để các cháu học tập theo các thế hệ cha anh đi trước.”

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử tỉnh Gia Lai rất được quan tâm. Những chủ trương, đường lối của Đảng về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, cũng như các quy định của pháp luật về bảo vệ di tích lịch sử được tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân. Ban Quản lý các di tích tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp như: Quan tâm tôn tạo, tu bổ, khoanh vùng bảo vệ; kiểm kê, lập hồ sơ, xếp hạng di tích; tích cực đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống; chú trọng phát triển du lịch tại các di tích… Từ đó, nhiều di tích lịch sử cách mạng đã được quan tâm bảo tồn và phát huy tốt, như: Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo; Khu căn cứ cách mạng của tỉnh – Khu 10 tại xã Krong, huyện Kbang; Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty; Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ; Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ; di tích Nhà lao Pleiku, Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng Khu 9, xã Gào… Các di tích này chính là những minh chứng lịch sử về truyền thống cách mạng hào hùng, lòng yêu nước của cán bộ và dân tỉnh Gia Lai.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Có thể khẳng định, các di tích lịch sử trên địa bản tỉnh chính là những minh chứng sống cho cuộc cách mạng mà cha ông ta đã dày công giữ gìn nền độc lập. Vì vậy việc giữ gìn và phát huy các di tích ấy chính là nhiệm vụ chúng tôi đề ra, đặc biệt là giáo dục cho thế hệ trẻ. Những di tích này là minh chứng sinh động nhất, khoa học nhất, thực tế nhất trong công tác giáo dục tư tưởng của giới trẻ.”

Di tích lịch sử chính là cầu nối giữa quá khứ – hiện tại và tương lai; và là xuất phát điểm của quá trình phát triển; là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử chính là thể hiện cụ thể tinh thần yêu nước, sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông; đó là cội nguồn, đồng thời là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế – xã hội bền vững

Nhâm Dung – Bá Bính


Lượt xem: 13

Trả lời