Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận – Nâng tầm giá trị Mắc ca Kbang – Gia Lai

Cập nhật 06/11/2023, 15:11:42

Được xác định là một trong những cây trồng chủ lực mới đang mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân, thời gian qua, việc sản xuất cây cây mắc ca được huyện Kbang dành nhiều sự quan tâm và đã xây dựng chiến lược phát triển riêng cho loại cây trồng này. Đặc biệt, nhằm khẳng định thương hiệu, chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm của hạt mắc ca, vừa qua, UBND huyện Kbang đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh tiến hành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang – Gia Lai”. Đây được xem là “chiếc vé thông hành” mở ra một chặng đường phát triển mới cho ngành trồng và kinh doanh sản phẩm từ cây mắc ca trên đất Kbang theo hướng bền vững.

Có thâm niên hơn chục năm gắn bó với việc trồng và chế biến hạt mắc ca tại địa phương, chị Võ Thị Kim Liên ở tổ dân phố 8, thị trấn Kbang, huyện Kbang đã bước đầu gặt hái được những thành quả nhất định. Mỗi năm, cơ sở sản xuất của gia đình chị xuất ra thị trường khoảng 10 tấn mắc ca sấy nứt. Không chỉ nâng cao thu nhập của gia đình, cơ sở này còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Nhận thấy tiềm năng phát triển lớn từ cây mắc ca tại địa phương, chị Liên đang đầu tư chế biến sâu để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu hạt mắc ca của cơ sở mình.

Chị Võ Thị Liên – Tổ dân phố 8, thị trấn Kbang, huyện Kbang nói: “Tôi cũng mong huyện tạo điều kiện giúp đỡ để những cơ sở sản xuất như tôi mang được hạt mắc ca ra khỏi tỉnh, được nhiều người biết đến độ ngon của hạt mắc ca Kbang. Tôi thấy cây mắc ca cho nguồn thu ổn định và khỏe hơn nhiều cây nông nghiệp khác. Giá cả của nó bây giờ so với mặt bằng nông nghiệp chung thì khá cao, chăm sóc khỏe và thu hoạch cũng khá nhàn.”

Hành trình phát triển của cơ sở chị Võ Thị Kim Liên cũng như các hộ dân trồng, chế biến, kinh doanh hạt mắc ca trên địa bàn huyện Kbang đã được tiếp sức, tạo điều kiện thuận lợi khi vừa qua UBND huyện Kbang đã tiến hành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Mắc ca Kbang – Gia Lai và đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang – Gia Lai” được xác lập quyền sở hữu công nghiệp sẽ góp phần nâng cao uy tín và khả năng tiêu thụ sản phẩm mắc ca trên địa bàn huyện Kbang.

Bà Võ Thị Thùy Ngân – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Gia Lai cho biết: “Khi thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Gia Lai đã tư vấn đơn vị quản lý và các hộ được sử dụng. Để nhãn hiệu chứng nhận Mắc ca Kbang – Gia Lai mang lại hiệu quả lâu dài, các hộ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cần tuân thủ và chấp hành đúng theo quy chế mà UBND huyện Kbang đã ban hành. Và UBND huyện cần đẩy mạnh quản lý theo đúng quy chế mà mình đã ban hành.”

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kbang có khoảng 2.800 ha trồng cây mắc ca, trong đó có trên 500 ha đã cho thu hoạch. Cây mắc ca được đánh giá là loại cây khá dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao và ít tốn công chăm sóc. Cùng với phát triển diện tích trồng, việc chế biến hạt mắc ca cũng được địa phương chú trọng. Hiện trên địa bàn huyện Kbang có khoảng 20 cơ sở chế biến hạt mắc ca với đa dạng các sản phẩm như hạt mắc ca sấy khô, sữa mắc ca, tinh dầu mắc ca… trong đó có 3 sản phẩm mắc ca đã đạt chứng nhận OCOP và một số sản phẩm đang phấn đấu đạt OCOP cấp tỉnh trong năm nay. Với những kết quả đã đạt được, huyện Kbang sẽ phát huy tốt nhãn hiệu chứng nhận Mắc ca Kbang – Gia Lai nhằm đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý và tổ chức giới thiệu, tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thương hiệu và giá trị của hạt mắc ca Kbang phát triển lên một tầm cao mới.

Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Trường phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Kbang trao đổi: “Sau khi nhãn hiệu Mắc ca Kbang – Gia Lai được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận và bàn giao lại cho UBND huyện Kbang là đơn vị chủ sử dụng và đã ủy quyền cho Phòng Kinh tế – Hạ tầng quản lý nhãn hiệu này. Đối với những hộ dân trồng và sản xuất hạt mắc ca có nguồn gốc trên địa bàn huyện Kbang đều được sử dụng nhãn hiệu. Mục tiêu của việc xây dựng nhãn hiệu là nhằm duy trì chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu đến với người dân, người tiêu dùng.”

 Anh Nguyễn Đình Chi – Xã Đak Smar, huyện Kbang nêu: “Mong các cấp cơ quan lãnh đạo tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất và người dân ở đây được hoàn thiện các thủ tục OCOP hoặc các tiêu chuẩn của an toàn thực phẩm để đạt chuẩn thương hiệu, để bà con ở đây được giới thiệu và đưa ra những mặt hàng đạt tiêu chuẩn đến với mọi người.”

Trên cơ sở đề án của tỉnh Gia Lai về phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Kbang đã xây dựng kế hoạch phát triển đối với loại cây trồng này. Theo đó, đến năm 2030, địa phương sẽ mở rộng diện tích cây mắc ca lên trên 3.000 ha. Cùng với việc vận động người dân làm tốt khâu sản xuất, huyện Kbang cũng đề xuất tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu để đa dạng hóa các sản phẩm từ hạt mắc ca. Với kế hoạch, định hướng phát triển rõ ràng, cụ thể và đặc biệt là việc sắp có được chiếc vé thông hành khi xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang – Gia Lai”, tin rằng cây mắc ca và các sản phẩm hạt được chế biến từ mắc ca trên địa bàn huyện Kbang sẽ phát triển bền vững, khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tăng tỷ lệ che phủ rừng, thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương ngày càng khởi sắc, phát triển.

Ngô Thanh – R’Piên – Duy Linh


Lượt xem: 19

Trả lời