Những trái tim hướng về Điện Biên

Cập nhật 01/5/2024, 15:05:47

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều văn nghệ sĩ đã có mặt trong những đoàn quân tham gia chiến đấu và nhiều tác phẩm bất hủ đã ra đời, sống mãi với thời gian. Những ngày này, trong không khí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, văn nghệ sĩ cả nước lại cùng hướng về Điện Biên với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa.

Bảy mươi năm sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, với tấm lòng tưởng nhớ, tri ân các thế hệ đi trước, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Chương trình hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên”. Trong đó, Hội thảo khoa học “Điện Biên Phủ – thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hoạt động tiêu biểu. Hội thảo quy tụ 35 tham luận của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà nghiên cứu phê bình.

Nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho biết: “Với ý thức và sự tri ân với các anh hùng liệt sĩ trong đó có cả những người làm văn hóa, văn nghệ, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã tổ chức một chuyến công tác đặc biệt gọi là hành hương về với Điện Biên. Chuyến đi này không gì khác ngoài tình cảm của các văn nghệ sĩ có những nhà văn, nhà báo đã ngoài 80 tuổi rồi các ca sĩ trẻ mới ngoài 30 tuổi trong đội hình 70 văn nghệ sĩ của các tỉnh thành từ Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, Hòa Bình, Sơn La đã tập hợp về Điện Biên lần này. Với những cảm xúc như thế, chuyến đi Qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên chắc chắn sẽ thành công và để lại tiếng vang.”

Các văn nghệ sĩ về với Điện Biên dịp này đều bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi đến với mảnh đất lịch sử anh hùng. Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ, năm 1954, khi ấy ông mới 14 tuổi  nhưng đã có ấn tượng sâu sắc về chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau này, trong hành trình sáng tạo văn học nghệ thuật ông có nhiều tác phẩm viết về đề tài này.

Nhà thơ VŨ QUẦN PHƯƠNG – Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Tôi có may mắn là tuổi 85 này vẫn đi lại được, đấy là cái mừng. Cái ý chí thì đã làm văn nghệ đã là cái duyên đến Điện Biên hoặc phân công viết về Điện Biên thì tôi chắc ai cũng dành cái trí lực của mình vào. Còn thành công đến đâu thì còn tùy vào năng lực của từng người nhưng cái tâm huyết thì ai cũng có cả. Vậy nên không ai viết cái đề tài này bằng cái tình cảm bình thường được mà làm hết sức mình.”

Các văn nghệ sĩ cũng có dịp giao lưu, biểu diễn phục vụ khán giả trong Chương trình giao lưu nghệ thuật. Với gần 20 tiết mục ca múa nhạc đặc sắc ca ngợi ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ, chương trình đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả và mỗi văn nghệ sĩ.

Ca sĩ DƯƠNG ĐỨC – Đoàn Văn công Quân khu 1 tự hào nói: “Đối với Dương Đức là một nghệ sĩ trẻ khi mà được tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, nhiều sân khấu lớn nhưng dịp này được về đây dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ cũng rất ý nghĩa. Dương Đức được tham gia biểu diễn các tác phẩm lớn như “Điện Biên hoa nở” rồi ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Bùi Hoàng Yến “Tướng quân Võ Nguyên Giáp” thì cũng làm mình được học, hiểu, được tìm hiểu về chiến thắng vẻ vang ấy và được lan tỏa.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ như một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Bảy mươi năm qua, chiến thắng ấy mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo to lớn của văn học nghệ thuật. Và các văn nghệ sĩ về với Điện Biên hôm nay với trái tim tri ân nguyện tiếp bước truyền thống của thế hệ đi trước nỗ lực sáng tạo để có những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc.

Chu Linh – Tiến Thế (Đài Điện Biên)


Lượt xem: 12

Trả lời