TP.Pleiku – Các trường học tìm giải pháp để duy trì mô hình bán trú

Cập nhật 21/3/2024, 16:03:08

Thời gian qua, mô hình học bán trú bậc mầm non, tiểu học của tỉnh Gia Lai đang được triển khai thuận lợi và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, khi thực hiện theo Công văn số 260 của Sở GD&ĐT về việc tạm thời không thu các khoản thu tại phụ lục theo Nghị quyết số 47 của HĐND tỉnh đã gây một số khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức dạy và học. Song để tạm thời khắc phục tình trạng này, các trường học đã cố gắng tìm giải pháp trước mắt nhằm tiếp tục duy trì lớp học bán trú trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn của cấp trên.

Trường Tiểu học Chu Văn An, Tp. Pleiku có 700 em học sinh học bán trú từ lớp 1 đến lớp 3. Ngay khi nhà trường tạm dừng thu một số khoản theo quy định tại Công văn số 260 của Sở GD&ĐT, đồng thời giảm số buổi học đối với khối lớp học 2 buổi/ngày, đến nay nhà trường giảm gần 100 em học sinh học bán trú. Để khắc phục khó khăn trước mắt, Trường Tiểu học Chu Văn An buộc phải thay đổi một số quy định.

Thầy giáo Lê Văn Phương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, Tp. Pleiku cho biết: “Chúng tôi phải sắp xếp lại thời khóa biểu cho phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường và sau khi xếp lại nó sẽ trở ngại vấn đề bán trú của học sinh. Vì giáo viên không đi buổi chiều thì học sinh ăn bán trú xong rồi thì các cháu phải về vì không được học buổi chiều theo 10 buổi, cho nên lớp 1, 2 mất 3 buổi chiều  và lớp 3 mất 2 buổi chiều. Pleiku là đơn vị đầu tiên của tỉnh Gia Lai xây dựng mô hình bán trú, trong đó trường Tiểu học Chu Văn An là đơn vị đầu tiên của thành phố cho nên chúng tôi đại diện cho ngành, cho các trường có bán trú mong rằng các cấp lãnh đạo từ UBND tỉnh, HĐND tỉnh tham mưu với Cục QLVB của Bộ Tư pháp tham mưu để có những văn bản phù hợp với thực trạng hiện nay cho phù hợp với tình hình cha mẹ học sinh.”

Để phục vụ cho học sinh học 2 buổi/ngày, ngay từ đầu năm học 2023 – 2024, Trường Tiểu học Chu Văn An, Tp. Pleiku đã kí hợp đồng với 20 lao động làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh. Thế nhưng hiện nay việc giảm số buổi làm việc, kéo theo thu nhập giảm sút khiến đời sống của nhiều lao động rơi vào khó khăn.

Bà Phạm Thị Lan – Phục vụ lớp 2/2, Trường Tiểu học Chu Văn An, Tp. Pleiku nói: “Lương hàng tháng chúng tôi cũng đảm bảo cuộc sống nhưng mà từ tháng 2 đến nay trường có giảm số lượng học sinh cũng như ngày không đi làm bán trú nên cũng thấy ảnh hưởng vì hương hạ xuống, đời sống cũng gặp nhiều khó khăn.”

Trường Tiểu học Ngô Mây, Tp. Peiku có số lượng học sinh bán trú đông nhất Tp. Pleiku với gần 1000 em trong tổng số trên 1.500 học sinh của nhà trường cũng đã tổ chức họp nhiều lần để thống nhất với phụ huynh  đưa ra phương án tối ưu nhất trong việc duy trì cho học sinh học bán trú 2 buổi/ngày.

Thầy giáo Nguyễn Trung Thành – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Mây, Tp. Pleiku trao đổi: “Nhà trường cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch đổi lại các thoả thuận với phụ huynh, tổ chức họp phụ huynh để thống nhất việc dừng thu các khoản nên cũng đã gặp một số khó khăn nhất định. Đó là nhà trường phải điều hành lại học bán trú từ 10 buổi xuống còn 9 buổi/tuần và giảm tất cả các khoản thu, đặc biệt là đối với môn tiếng Anh nhà trường không tổ chức thu và dừng hợp đồng đối với giáo viên tiếng Anh và các em lớp 1,2 không được làm quen với môn tiếng Anh nữa. Rất mong các cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản để công tác giảng dạy của nhà trường nói riêng và của Tp. Pleiku nói chung thực hiện công tác bán trú đi vào ổn định từ nay đến cuối năm và năm học sắp đến.”

Tạm dừng một số khoản thu theo quy định buộc các trường phải giảm số tiết học trên lớp buổi chiều đối với học sinh bán trú. Chính vì vậy một số môn học kĩ năng sống, môn tiếng Anh cũng phải tạm dừng. Trong khi đây lại là những môn học mà các em học sinh lớp 1, lớp 2 học theo lộ trình, chuẩn bị tiền đề khi lên lớp 3 các em được học theo chương trình GDPT 2018.

Cô giáo Trịnh Thị Lê – Trường Tiểu học Ngô Mây, Tp. Pleiku cho biết: “Các em học tiếng anh các em sẽ được tiếp cận tạo một bước tập các em học lớp 3 theo chương trình GDPT 2018. Đồng thời học buổi chiều các em sẽ được rèn thêm một số kĩ năng sống và phát triển một số năng khiếu theo sở trường của mình. Không được học buổi chiều khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón. Giáo viên của chúng tôi cũng gặp một số khó khăn không nhỏ nhưng chúng tôi cũng đã cố gắng khắc phục để thực hiện tốt công văn theo quy định của cấp trên.”

Được biết, tại thành phố Pleiku có 41 trường mầm non, trường tiểu học với tổng cộng trên 14.000 học sinh bán trú. Qua khảo sát của các trường, tỷ lệ nhu cầu của phụ huynh cho trẻ ăn, ở bán trú tại trường khá cao, muốn gửi con cả ngày để an tâm công tác. Phát huy kết quả đạt được của mô hình học bán trú cũng như nhu cầu thực tiễn của nhiều phụ huynh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát các khó khăn, đề xuất phương án giải quyết với mục tiêu không làm ảnh hưởng việc dạy và học tại các cơ sở giáo dục. Và quan điểm của tỉnh Gia Lai là sẽ không dừng việc tổ chức học bán trú trong nhà trường.

Lệ Xuân – Duy Linh


Lượt xem: 9

Trả lời