Ý nghĩa và giá trị của Bản Luận cương Chính trị năm 1930 do đồng chí Trần Phú soạn thảo

Cập nhật 30/4/2024, 06:04:29

Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, là cán bộ mẫu mực, xuất sắc; là người con ưu tú của dân tộc với lý tưởng cao đẹp; nhà lý luận kiệt xuất, có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Nhất thông qua vào tháng 10 năm 1930 là văn kiện quan trọng của Đảng, định hướng con đường đúng đắn, sáng ngời của cách mạng Việt Nam. Nhân Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú (01/5/1904-01/5/2024), THGL xin chuyển đến quý độc giả phóng sự về ý nghĩa và giá trị của Bản Luận cương Chính trị năm 1930 do đồng chí Trần Phú soạn thảo.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Trần Phú là tài sản vô cùng quý giá của Đảng và của dân tộc ta. Nói đến đồng chí Trần Phú không thể không nói đến Bản Dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng năm 1930 do đồng chí soạn thảo.Tháng 4-1930, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng. Sau khi được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được bồi dưỡng lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng cộng sản; đồng chí Trần Phú đã trưởng thành vượt bậc.  Tháng 7-1930, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng (lâm thời). Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua “Luận cương Chính trị”, bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức; đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Luận cương Chính trị của Đảng năm 1930do đồng chí Trần Phú soạn thảo là văn kiện quan trọng của Đảng; “đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xây dựng xã hội cộng sản”.

Thạc sĩ Nguyễn Công Chánh – Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai nói: “Trong Luận cương Chính trị đã xác định rõ phương hướng và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam…. Về ý nghĩa của Luận cương Chính trị tháng 10/1930 do đồng chí Trần Phú soạn thảo phải nói là một công lao đóng góp rất lớn của đồng chí Trần Phú. Đó là sản phẩm của tập thể nhưng đồng chí Trần Phú trực tiếp chắp bút để soạn thảo Bản Luận cương này. Bản Luận cương là một tài liệu, văn kiện rất quan trọng của Đảng chúng ta. Trong nội dung của Luận cương đã kế thừa rất xuất sắc những giá trị lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là về vấn đề dân tộc và thuộc địa cũng như những luận điểm cơ bản do Nguyễn Ái Quốc đã đề ra trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt được nêu ra tại Hội nghị thành lập Đảng (3/2/1930). Đây trở thành văn kiện, tài liệu mang tính chất định hướng để sau này Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng đã đề ra những chiến lược, những sách lược để đấu tranh và bảo vệ chính quyền cách mạng của mình.”

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/5/1904; 26 tuổi (tháng 10/1930) được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí bị địch bắt tại Sài Gòn ngày 18/4/1931. Những thủ đoạn, tra tấn của kẻ thù không khuất phục được tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường, đạo đức cách mạng trong sáng và khát vọng, lý tưởng cao đẹp của đồng chí Trần Phú – Người cộng sản kiên trung, hết lòng với Đảng và Nhân dân. Ngày 06/9/1931, (năm 27 tuổi), đồng chí Trần Phú hy sinh. Trước lúc hy sinh, đồng chívẫn nhắn gửi đồng chí, đồng bào câu nói bất hủ: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lý luận cách mạng tiên phong;đồng chí Trần Phú luôn là niềm tự hào của Đảng và của Nhân dân ta. Luận cương Chính trị năm 1930 của Đảng do đồng chí Trần Phú soạn thảo là bài học quý giá đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

 Thạc sỹ Vũ Thị Thảo – Phó Trưởng phòng Tổ chức, Hành chính, Thông tin, Tư liệu, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai cho biest: “Bản Luận cương Chính trị đồng chí Trần Phú chắp bút soạn thảo trong năm 1930 với 6 nội dung chính. Thứ nhất đó là Con đường cách mạng, thứ hai là Nhiệm vụ cách mạng, thứ Ba là Lực lượng cách mạng, thứ Tư là Phương pháp cách mạng, thứ Năm là Nhiệm vụ quốc tế, thứ Sáu là về vai trò lãnh đạo của Đảng. Trải qua 94 năm qua, Luận cương Chính trị của Đảng đến nay vẫn là văn kiện hết sức quan trọng của của Đảng, để bổ sung, hình thành và phát triển đường lối cách mạng Việt Nam, giúp cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách và đi đến thắng lợi như ngày hôm nay. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định về Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, hay nói cách khác là Bản Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo thì đã xác định đúng con đường cách mạng Việt Nam đó là chống đế quốc và chống phong kiến; độc lập dân tộc và người cày có ruộng. Đặc biệt, Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930 đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân xung quanh của mình, điều này đã giúp Đảng ta tập hợp được lực lượng cách mạng, tập hợp được đoàn kết dân tộc.”

Luận Cương Chính trị do đồng chí Trần Phú trực tiếp soạn thảo được Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10/1930 thông qua là văn kiện quan trọng của Đảng; là cơ sở để Đảng ta vạch ra đường lối, chiến lược, con đường cách mạng Việt Nam; từ đó dành những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử./.

Hà Đức – Thanh Sáng


Lượt xem: 18

Trả lời