Thắp lửa đam mê văn hóa cồng chiêng cho thanh thiếu niên

Cập nhật 29/12/2016, 08:12:36

 Đẩy mạnh khai thác và phát triển tiềm năng du lịch địa phương, trong đó có du lịch cộng đồng gắn với các loại hình văn hóa truyền thống như cồng chiêng là một trong những chủ trương lớn vừa được tỉnh Gia Lai đưa ra nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Điều này đặt ra nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” này trước tình trạng mai một vẫn đang diễn ra.

Việc gìn giữ bảo tồn văn hóa cồng chiêng không phải là việc làm mới được quan tâm mà trên thực tế đã được nhiều địa phương, đơn vị chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Một trong số đó là việc tổ chức các lớp dạy cồng chiêng ở cộng đồng và trong trường học dành cho lứa tuổi thanh, thiếu nhi. Việc làm này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và đánh giá cao của cộng đồng xã hội.

29-12-thaplua

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có ngày càng nhiều những lớp dạy cồng chiêng dành cho thanh, thiếu nhi. Các lớp học này được đưa xuống tận làng với nội dung và hình thức gần gũi được người dân đánh giá cao, đông đảo thanh, thiếu nhi yêu thích, đặc biệt là các em nhỏ lần đầu được học một cách bài bản loại hình văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Ngành Giáo dục- Đào tạo tỉnh là một trong những đơn vị có hoạt động tích cực với việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Trong những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường ở vùng có đông dân tộc thiểu số đã đưa việc giảng dạy văn hóa cồng chiêng các hoạt động ngoại khóa chính và được duy trì đều đặn trong suốt năm học. Với những kiến thức được trang bị, các em sẽ chính là những tuyên truyền viên tích cực, những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở các địa phương trong tương lai.

Em Rơ Châm Ling,  Trường THCS dân tộc nội trú huyện Chư Păh cho biết: “Em đã được học cồng chiêng từ nhỏ qua các phong trào ở địa phương và nhờ các anh chị lớn mà tụi em đã tiếp xúc với cồng chiêng. Qua trường này cũng tập cho em những bài cồng chiêng khác nhau, những điệu múa khác nhau, giao lưu các dân tộc với nhau. Qua đó em cảm thấy rất hứng thú với các điệu múa này và em sẽ tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình”…

Cô Nguyễn Thị Bé,  Phó Hiệu trưởng Trường THCS DTNT huyện Ia Grai cho biết: “Việc chú trọng giáo dục văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa cồng chiêng là nội dung quan trọng đối với một ngôi trường vừa dạy vừa nuôi như trường THCS DTNT huyện Ia Grai. Không chỉ giúp các em có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, việc làm này cũng giúp tạo môi trường học tập thân thiện, giúp các em tích cực hơn trong học tập, tạm quên đi nỗi nhớ nhà và yêu thích đến trường hơn”.

Ngày nay, cùng với sự xâm nhập các loại hình văn hóa ngoại nhập khiến không ít thanh, thiếu niên DTTS không mấy mặn mà với văn hóa của dân tộc mình thì việc các lễ hội văn hóa giảm đi nhiều so với trước dẫn đến không gian thể hiện ít đi đã tạo không ít khó khăn trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng. Trước tình trạng này, việc tổ chức các hoạt động dạy và học cồng chiêng cho thanh thiếu niên càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết ./.

Ngô Thanh, Đức Thành


Lượt xem: 69

Trả lời