Sốt xuất huyết gia tăng-Người dân vẫn còn chủ quan trong phòng bệnh

Cập nhật 15/6/2016, 13:06:41

5 tháng đầu năm 2016, cả nước có trên 36. 000 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó 11 trường hợp tử vong. Tại tỉnh Gia Lai số bệnh nhân sốt xuất huyết cũng gia tăng đột biến, đặc biệt là trong vòng 1 tháng qua. Và mới đây nhất, vào ngày 12/6 đã có một cháu bé bị tử vong vì sốt xuất huyết tại bệnh viên Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai. Công tác phòng chống dịch chỉ thực sự mang lại hiệu quả một khi cả cộng đồng cùng chung tay hành động và thực hiện tốt khẩu hiệu “Không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Phóng sự được thực hiện nhân Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết 15/6.

         

 Chỉ trong vòng 13 ngày đầu tháng 6 đã có trên 70 ca  sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm y tế thành phố Pleiku. Nhiều gia đình có 2-3 người mắc cùng nhập viện. Nếu như 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố Pleiku chỉ ghi nhận 37 trường hợp mắc sốt xuất huyết thì con số này năm nay đã tăng cao bất thường với gần 350 ca.

Ông Cấn Thành Long – Tổ 8, phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku cho biết: ‘Khu vực tôi ở có nhiều muỗi lắm. Tôi bị sốt xuất huyết nằm viện được 1 tuần rồi, con trai tôi cũng bị sốt đang điều trị ở đây. Ở gần nhà tôi cũng có nhiều người mắc sốt xuất huyết”.

Nhiều năm nay, Phường Hội Phú luôn là địa bàn trọng điểm về sốt xuất huyết ở thành phố Pleiku. Dù khu vực này có nhiều người bị sốt nhưng xem ra cách đơn giản nhất để phòng bệnh là diệt muỗi, lăng quăng, vệ sinh môi trường sống vẫn chưa được người dân coi trọng. Bể cây cảnh, thùng nước, dụng cụ phế thải, lốp xe đọng nước… xung quanh nhà như thế này chính là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển. Thậm chí nhiều nơi người dân còn bất hợp tác khi cán bộ y tế xuống làm công tác tuyên truyền, phun thuốc diệt muỗi.

Ông Nguyễn Ngọc Ban – Tổ trưởng Tổ dân phố 14, phường Hội Phú, thành phố Pleiku nói: “Khu vực này từ đầu năm đến giờ trên 10 ca sốt xuất huyết. Trạm y tế với tổ dân phố thường xuyên nhắc nhở người dân vệ sinh môi trường, chậu chum phải lật úp hết, tuy nhiên đặc thù ở đây vườn rộng, nhiều cây cối nên muỗi rất nhiều. Một số hộ còn xem nhẹ bệnh sốt xuất huyết”.

 Nói về những khó khăn trong công tác tuyên truyền phòng chống bệnh chị Trần Thị Cam, – Trạm trưởng Trạm Y tế phường Hội Phú, thành phố Pleiku cho biết: “Việc tuyên truyền của chúng tôi rất khó khăn. Có những hộ không hợp tác, không muốn cho mình vào nhà. Chúng tôi cũng đã tham mưu UBND phường tổ chức ra quân chiến dịch phòng bệnh nhưng  chỉ có 2 tổ thực hiện và chỉ có nhân viên y tế, chi đoàn còn người dân không tham gia. Do đó công tác phòng chống dịch bệnh còn khó khăn, sốt xuất huyết vẫn chưa có chiều hướng giảm”.

         Theo nhận định thời gian tới dịch sốt xuất huyết sẽ còn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Diệt lăng quăng thường xuyên là cách đơn giản và hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Nếu không loại bỏ được các ổ lăng quăng, bọ gậy thì khó có thể chặn được sốt xuất huyết gia tăng như hiện nay./.

Kim Châu – Lê Thư- Xuân Huy


Lượt xem: 59

Trả lời