Pleiku hôm nay-nhìn lại khoảnh khắc lịch sử cách đây 42 năm

Cập nhật 17/3/2017, 13:03:27

 Ngày 17/3/1975 đã ghi mốc son trong lịch sử của quân và dân các dân tộc Gia Lai khi Gia Lai được hoàn toàn giải phóng. 42 năm đã trôi qua, trên mảnh đất ngổn ngang, hoang tàn vì bom đạn năm xưa, giờ đây  Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai đã khoác lên  mình diện mạo mới, mang dáng dấp của một đô thị hiện đại, đầy năng động.  Và hôm nay, trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai, mời quý vị và các bạn hãy cùng chúng tôi nhìn lại khoảng khắc lịch sử cách đây 42 năm.

...Năm tháng dù có trôi qua, nhưng đối với những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, giải phóng Gia Lai,  những khoảng khắc lịch sử hào hùng ấy lại như sống lại trong lòng mỗi người.

Trong chiến dịch Tây Nguyên, chớp thời cơ khi địch thất thủ tại Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, cùng với các lực lượng chủ lực, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã nổi dậy tấn công, truy kích, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lược Quân đoàn II của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 4 tiểu đoàn biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp và nhiều đơn vị pháo binh, bảo an, dân vệ của địch.  Trong thế thất bại, không được chuẩn bị và với tâm lý lo sợ một đòn tiêu diệt mới, cuộc rút lui có kế hoạch lúc đầu của địch đã nhanh chóng biến thành cuộc tháo chạy hỗn loạn. Trên đường số 7  (tức Quốc lộ 25 ngày nay) nhỏ hẹp xe địch chen lấn húc đổ nhau để chạy lên trước. Khi nghe tiếng súng của bộ đội ta chặn đầu, quân địch càng trở nên hoảng loạn. Cờ cách mạng tung bay trên đường 7.

Ngày 17-3-1975, tỉnh Gia Lai hoàn toàn giải phóng, trở thành hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam Việt Nam, chi viện cho các chiến dịch để phát triển thế tiến công chiến lược của quân và dân ta, góp phần vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

….Năm tháng dù có trôi qua, nhưng đối với những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, giải phóng Gia Lai thì mỗi khi có dịp gặp mặt, thăm lại chiến trường xưa… những khoảng khắc lịch sử hào hùng ấy lại như sống lại trong lòng mỗi người. Và với họ – đó là những ký ức không thể nào quên…

Ông Bùi Quốc Trưởng –Nguyên cán bộ Tỉnh đội Gia Lai cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi trở lại Pleiku sau 42 năm giải phóng, nhưng mỗi một lần đến đây đều gây cho tôi một niềm xúc động không gì diễn tả nổi bởi có một phần tuổi trẻ và một phần xương máu của mình để lại trên mảnh đất này./Năm 75, khi ở Tây Nguyên, vào 2h sáng ngày 10/3 khi bộ đội ta đã nổ súng mở màn cuộc tiến công Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thì Pleiku lúc ấy là khí thế rồi và đến ngày 17/3 khi mà thành phố Pleiku được giải phóng thì tất cả chúng tôi đều mang một cảm xúc không có gì tả nổi. Từ trong vùng căn cứ, những đơn vị như hậu cần, tham mưu chính trị khi ra ngoài này thì tất cả sự đổ nát của chiến trường vẫn còn ngổn ngang, hoang tàn. Đến đâu nhân dân cũng vui mừng phấn khởi”.

42 năm sau ngày giải phóng, bộ mặt đô thị Pleiku đã có nhiều thay đổi và ngày càng khởi sắc. Từ những hoang tàn của chiến tranh để lại, dưới sự nỗ lực và phấn đấu của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng và phát triển quê hương Gia Lai ngày càng giàu đẹp, với nhiều thành tựu to lớn, hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển.

Ông Phạm Kim Xuân – Ủy viên Ban LL Đồng đội Tỉnh đội Gia Lai thời kỳ chống Mỹ cho biết: “Chúng tôi là những người được tham gia giải phóng tỉnh Gia Lai, đến nay đã 42 năm rồi thì về trong thời gian như vậy nhìn thấy sự đổi thay rất là to lớn. Nhà cửa, đường xá khang trang, đời sống nhân dân đổi thay rất lớn”.

Bà Bùi Thị Hoàng Nga-Du khách Hà Nội chia sẻ: “Mình biết đến Gia Lai Pleiku qua lời kể của ông xã từng là bộ đội tại chiến trường Tây Nguyên. Bao lần mong ước được về chiến trường xưa nơi mà còn rất nhiều đồng đội của chồng đang còn sinh sống và bây giờ mới đi được. Cảm nhận của mình khi xuống sân bay như một người con trở về quê, và trên đường đi mình không bao giờ nghỉ rằng mảnh đất Tây Nguyên xa xôi như vậy mà đường xá, nhà cửa, quang cảnh lại phong quang, đẹp đến như vậy, khác xa với tưởng tượng của mình”.

Tiếp bước truyền thống hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, ngày nay các thế hệ trẻ Gia Lai đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, chung tay góp sức xây dựng Gia Lai ngày càng phát triển giàu đẹp.

Anh Đinh Hồng Chương-Thuyết minh viên Quảng trường Đại Đoàn Kết cho biết: “Là một người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Gia Lai này tôi rất tự hào về những hy sinh của các thế hệ đi trước. Và để xứng đáng với những hy sinh ấy, tôi sẽ tiếp tục học tập, tìm hiểu thêm về lịch sử quê hương, về văn hóa nghệ thuật để phục vụ cho công việc của mình, đó là quảng bá và thuyết minh cho du khách nghe để ngày càng thu hút nhiều du khách đến với Gia Lai”.

42 năm trôi qua, trên vùng đất Pleiku bị chiến tranh tàn phá năm xưa giờ đang đứng vững bằng chính khát vọng, niềm tin và những nỗ lực phi thường của những con người trẻ biết trân quý những gì mà bao thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương giành lại…/.

Lê Thư, R’Piên


Lượt xem: 85

Trả lời