Thành tựu nổi bật của Gia Lai về công tác dân tộc

Cập nhật 27/4/2024, 06:04:10

Dưới chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ công tác dân tộc, chính sách dân tộc nên đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi trên cả nước ngày càng được ổn định, từng bước cải thiện nâng cao. Là địa phương với hơn 46% dân số là đồng bào DTTS, những năm qua tỉnh Gia Lai luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc; tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng DTTS và đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Diện mạo của những thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đổi thay, khởi sắc. Kết quả ấy có được từ sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh thông qua thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc. Đặt mục tiêu giảm dần tỷ lệ hộ nghèo qua mỗi năm, nhiều địa phương trong tỉnh đã tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS. Đồng thời chú trọng ưu tiên nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ người dân về nhà ở, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, vay vốn để phát triển sản xuất…; từ đó tạo động lực để các hộ nghèo nỗ lực phát triển kinh tế, quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

 Chị Đinh Thị Dư – Làng Mèo, xã Đăk Pling, huyện Kông Chro chia sẻ: “Bữa trước nhà nhỏ, chật chội và mưa ướt hết. Nhà nước hỗ trợ nhà, mình cảm ơn Nhà nước và cũng mừng. Có nhà to, một nửa của gia đình và một nửa của Nhà nước cũng đỡ. Giờ có nhà rồi cũng yên tâm lo công việc khác, lo cố gắng làm ăn.”

Già làng Kpă Ghi – Làng Phun – Thanh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông bày tỏ: “Trước đây chưa có đường bê tông như thế này đâu. Cho đến bây giờ thì Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm đến dân làm ăn, phát triển kinh tế.”

Xác định thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhằm thúc đẩy sự phát triển của địa phương, góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; cùng với tiếp tục đẩy mạnh, triển khai đồng bộ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2021-2025, một trong những nhiệm vụ lớn đã được Đảng bộ tỉnh Gia Lai xác định xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ, đó là: Tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025) (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Chỉ riêng trong năm 2023, tỉnh Gia Lai được phân bổ nguồn vốn hơn 1.478 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Cụ thể, toàn tỉnh đã hỗ trợ đất ở cho 18 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 1.068 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 121 hộ; triển khai 13 dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư. Ngoài ra, tính từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, toàn tỉnh đã đầu tư cứng hóa 28 km đường liên xã; hơn 107 km đường giao thông tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn… cùng nhiều công trình, dự án khác để giải quyết các vấn đề khó khăn, thiết yếu phục vụ dân sinh.

Bà Ngô Thị Thanh Diệp – Trưởng phòng Dân tộc huyện Phú Thiện nói: “Để đạt mục tiêu của chương trình, chúng tôi đã tham mưu cho huyện triển khai nhiều chương trình, dự án ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, ưu tiên các đối tượng chính sách, hộ đặc biệt khó khăn; kiến nghị, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc để các dự án được thực hiện…”

Để cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI đã ban hành Chương trình hành động, xác định nhiệm vụ cụ thể đến năm 2025 với 9 nhóm mục tiêu và đến năm 2030 với 6 nhóm mục tiêu cụ thể.

Ông Trường Trung Tuyến – Phó Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai trao đổi: “Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng DTTS. Cụ thể hơn, chương trình sẽ có những chính sách giúp bà con cải thiện sinh kế như hỗ trợ vay vốn. Để chương trình này phát huy hiệu quả, bà con cũng phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm khi tham gia…”

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai còn 28.173 hộ nghèo đồng bào DTTS theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS là 17,05% (giảm 4,21% so với năm 2022 và đạt 140,43% so với kế hoạch đề ra). Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn trong thực hiện công tác dân tộc, nhưng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự quyết tâm, đồng lòng của Nhân dân, cùng với huy động được nhiều nguồn lực đã tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng DTTS và nâng cao đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Mỹ Tiến – R’Piên


Lượt xem: 6

Trả lời