Phú Thiện quan tâm phát triển kinh tế tập thể

Cập nhật 27/9/2016, 13:09:16

Trong khi nhiều đơn vị HTX trên địa bàn tỉnh làm ăn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong định hướng, cơ chế hoạt động, thì ở huyện Phú Thiện, nhiều mô hình đã và đang rất năng động trong kinh doanh, tự khẳng định mình trong môi trường cạnh tranh hiện nay. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ về cơ chế của địa phương, kinh tế tập thể tại đây đã và đang khẳng định được ưu thế trong phát triển kinh tế vùng nông thôn.

27-9-htx

Là đơn vị Hợp tác xã thành lập nhiều năm nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Chư A Thai, huyện Phú Thiện đã có nhiều giai đoạn hoạt động tưởng chừng như không thể cầm cự nổi. Từ khi thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đơn vị đã mở rộng dịch vụ cung ứng, năng động hơn trong cách thức kinh doanh như: cung ứng dịch vụ thủy nông, giao thông, kênh mương nội đồng, quản lý và duy trì hệ thống tưới tiêu, cung ứng lúa giống, vật tư phân bón…Cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương thực hiện lồng ghép các chương trình và các nguồn vốn đầu tư, hoạt động của đơn vị đã góp phần tạo công ăn việc làm và lợi nhuận thiết thực cho xã viên.

Ông Phạm Ngọc Nghĩa, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Chư  A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết: “Từ khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, chúng tôi đã có điều kiện hơn trong các lĩnh vực hoạt động. Nhất là chúng tôi luôn có sự giúp đỡ, tạo điều kiện của huyện nên có thêm các phần việc để hoạt động cũng như tạo được nguồn lợi nhuận cho xã viên”.

Toàn huyện Phú Thiện hiện có 13 HTX, trong đó 10 đơn vị đang hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh xăng dầu, vật tư nông nghiệp với tổng số 1.740 thành viên. Thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động theo luật mới, UBND huyện Phú Thiện đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn các HTX hoàn tất các thủ tục chuyển đổi, bồi dưỡng kiến thức về Luật HTX năm 2012 cho các thành viên HTX để các đơn vị hoạt động đúng Luật, phù hợp với yêu cầu đặt ra cho kinh tế tập thể  giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, dựa trên kế hoạch vốn, UBND huyện phân về cho các phòng ban chuyên môn, các xã thị trấn mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các HTX tiếp nhận sử dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chính sách ưu đãi khác như đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX, chính sách thuế, tín dụng và các hoạt động xúc tiến thương mại cũng được địa phương tạo điều kiện cho các đơn vị HTX tiếp cận đúng quy định.

Phùng Tất Thắng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thiện, Gia Lai nói: Ở đây chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ giao cho thực hiện các công trình như quản lý hệ thống cấp nước nông nghiệp, cung ứng vật tư, phân bón cho các mô hình sản xuất. Nhờ đó, hoạt động của đơn vị cũng khá, đem lại lợi nhuận cho thành viên.

Ông Phạm Văn Lượng, Trưởng phòng Tài chính- KH huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết:  “Nhằm hỗ trợ cho các đơn vị HTX hoạt động, bên cạnh các dự án đầu tư, chúng tôi cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật để HTX được phát triển ổn định, quy mô hơn”.

Nhờ có sự đổi mới,phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhiều đơn vị HTX tại huyện Phú Thiện đã từng bước ổn định hoạt động, kinh doanh có lợi nhuận, tạo lòng tin của xã viên. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng hi vọng, với cơ chế, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, kinh tế tập thể tại huyện Phú Thiện sẽ từng bước khẳng định vai trò của mình trong phát triển vùng, góp phần tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Minh Lý, K’Sor Tuối


Lượt xem: 82

Trả lời