Phụ nữ xã Ia Ka lưu giữ nghề dệt truyền thống

Cập nhật 06/5/2019, 16:05:44

Làm thế nào để duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống là thực tế đặt ra không ít khó khăn đối với các câu lạc bộ dệt thổ cẩm để bảo tồn và phát huy nét văn hóa từ bao đời nay. Không ngừng nỗ lực để giới thiệu và đưa được sản phẩm truyền thống đến với nhiều người để giúp chị em có nguồn thu nhập ổn định là cách để duy trì hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ dệt thổ cẩm ở xã Ia Ka, huyện Chư Pah từ nhiều năm nay.

Vẫn ngày ngày miệt mài bên khung cửi, với chị Rơ Chăm Hyăi ở làng Mrông Ngó 3, xã Ia Ka đó là niềm vui vì sống được với nghề dệt truyền thống.Tháng này, thông qua câu lạc bộ dệt thổ cẩm, chị đã nhận dệt 3 sản phẩm cho khách. Để dệt nên một bộ váy áo, chị phải mất cả tuần chăm chút cho từng hoa văn tinh tế, sắc sảo. Vui vì có người đặt hàng thường xuyên, một tháng dệt được vài bộ váy áo, tranh thủ những lúc nông nhàn chị cũng có thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Chị Hyăi  nói: ” Một bộ váy này mình dệt nhanh thì một tuần mới xong, bán được hơn 1 triệu. Lúc đầu chỉ dệt trong nhà, bán cho bà con trong làng thôi. Từ khi tham gia câu lạc bộ có nhiều người ở các nơi biết đến, người ta đặt hàng nhiều hơn. Mình và các chị em trong câu lạc bộ rất vui”.
Câu lạc bộ dệt thổ cẩm xã Ia Ka thành lập từ năm 2010 đến nay đã thu hút được 100 hội viên ở 4 làng cùng tham gia. Sản phẩm làm ra không chỉ để phục vụ cho gia đình mà còn được nhiều người ưa chuộng và tìm đến đặt hàng. Bình quân 1 tháng 1 hội viên bán được từ 4-5 sản phẩm, đó là cách giúp nhiều chị em gắn bó và đam mê với công việc này. Việc thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm và phát huy những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào nơi đây để kết nối phát triển du lịch cộng đồng chính là hướng đi đang được địa phương chú trọng.

Chị Rơ Châm H’Ken – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết: “Hoạt động của câu lạc bộ đã thu hút được chị em hội viên cùng dệt và cũng thu hút khách trong và ngoài nước biết đến câu lạc bộ và đặt những sản phẩm từ các hội viên. Qua đó để kết nối khách du lịch về đây và khách hàng đặt sản phẩm, bản thân tôi hết sức nỗ lực làm công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá qua các trang mạng facebook, zalo, qua đó nhiều người biết đến họ đến đặt rất nhiều, Tâm tư, nguyện vọng của chị em ai cũng mong muốn có ngôi nhà chung để trưng bày các sản phẩm của mình để thu hút khách du lịch đến”.
Ông Phan Văn Thiện – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai trao đổi: “Trên địa bàn xã đặc trưng nổi bật nhất là dệt thổ cẩm, cồng chiêng, tạc tượng. Trong năm nay, xã đã tìm 1 địa điểm phù hợp để cho các nghệ nhân câu lạc bộ dệt thổ cẩm có chỗ trưng bày sản phẩm, nghệ nhân cồng chiêng được biểu diễn để thu hút du khách tới thưởng thức các món ăn đặc sản trên địa bàn cũng như thưởng thức các tác phẩm do nghệ nhân đan lát, dệt thổ cẩm làm ra”.
Những lúc nông nhàn, những phụ nữ Jrai nơi đây lại ngồi bên khung dệt. Chăm chút cho từng sản phẩm đẹp, mang nét đặc trưng riêng và điều quan trọng hơn cả là tìm được đầu ra cho hàng thổ cẩm chính là nguồn động lực để họ luôn yêu thích, gắn bó và duy trì nghề dệt truyền thống./.

Kim Châu, Ngô Thanh, Minh Trung


Lượt xem: 70

Trả lời