Phỏng vấn ông Hà Ngọc Uyển – Chi Cục trưởng Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Cập nhật 04/7/2019, 14:07:55

Sâu keo mùa thu gây hại trên cây trồng, chủ yếu là cây ngô. Hiện nay loại sâu này đã xuất hiện ở 11/17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai với diện tích ngô bị gây hại hơn 5.500 ha và đang tiếp tục có xu hướng tăng cao. Khác với nhiều loại sâu gây hại khác, sâu keo mùa thu có tốc độ lây lan nhanh, nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời và đúng cách sẽ gây thiệt hại rất lớn cho cây trồng trong khi đó loại sâu này lại không có thuốc đặc trị. Vậy làm cách nào để phòng trừ một cách hiệu quả loại sâu này, sau đây chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Hà Ngọc Uyển – Chi Cục trưởng Chi Cục trồng trọt và BVTV xung quanh vấn đề phòng trừ sâu keo mùa thu.

PV Hồng Uyên: Thưa ông, như vậy đến nay Gia Lai đã ghi nhận sâu keo mùa thu xuất hiện ở 11 địa phương, ông có thể cho biết nguyên dân do đâu lại xuất hiện loại sâu này?

Ông Hà Ngọc Uyển: Sâu keo mùa thu là loại đa thực. Phát triển vùng nhiệt đới Châu Mỹ. Vì vậy về ngoại cảnh Gia Lai cũng phù hợp để sâu keo phát triển. Sâu keo mùa thu di trú qua nhiều con đường như: qua gió, vận chuyển hạt giống, cây giống có thể đi được hàng ngàn km. Cái đó là điều kiện để sâu keo đi từ vùng này qua vùng khác. Khi đã xuất hiện thì lan rộng dễ dàng do tập quán sản xuất của nông dân: xuống giống không đồng bộ.

PV Hồng Uyên: Vậy, thưa ông làm thế nào để phát hiện vườn cây có sâu keo mùa thu thông qua những đặc điểm nhận dạng của loại sâu này?

Ông Hà Ngọc Uyển: Sâu keo mùa thu là loại sâu đa thực, phàm ăn. Theo ghi nhận nó có thể gây hại trên 300 loại cây trồng, thế nhưng tại VN, Cục BVTV công bố trên 80 loại cây trồng, nhưng đặc biệt vẫn là cây họ hòa thảo là nó thích nhất, trong đó có ngô, lúa, mía. Ngô là loại cây nó ưa chuộng nhất, mềm, thơm. Đặc điểm của nó là khi còn nhỏ nó có màu xanh nhạt, khi lớn có màu nâu đậm, trên thân có các sọc. Trên mặt lưng, đốt bụng có các chấm được sắp xếp theo hình vuông. Đó là những đặc điểm để nhận dạng.

PV Hồng Uyên: Phòng trừ sâu keo mùa thu, được biết hiện nay chưa có thuốc đặc trị nhưng về phía cơ quan chuyên môn ông có những khuyến cáo gì về biện pháp phòng trừ đạt hiệu quả cao nhất?

Ông Hà Ngọc Uyển: Về phòng trừ, Cục BVTV khuyến cáo cần thực hiện các biện pháp tổng hợp. Phải làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng. Khi bà con làm đất, trong điều kiện thời tiết thuận lợi nên phơi đất để tiêu diệt các ổ trứng. Phải chăm sóc vườn, thường xuyên thăm đồng để kịp thời và có biện pháp xử lý kịp thời để mang lại hiệu quả cao. Khi còn mới, phạm vi còn hẹp, có thể tiêu hủy các cây bị sâu keo từ nhỏ. Nếu sâu keo phát triển ở diện rộng hơn, bà con có thể áp dụng các biện pháp, có thể làm bẫy bằng cách trồng cây ngô nếp hoặc cây cỏ voi để hút sâu keo đến gây hại, sau đây tập trung tiêu diệt tại bẫy, như vậy vườn ngô sẽ không bị hoặc làm bã chua ngọt, mùi vị dẫn dụ sâu keo đến….Trong trường hợp phải sử dụng thuốc BVTV, cơ quan chuyên môn khuyến cáo nên sử dụng các loại thuốc sinh học…Nếu trong trường hợp dùng thuốc hóa học thì phải tuân thủ 4 đúng mới đạt hiệu quả, đó là đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.

Hiện tại Cục BVTV hướng dẫn các địa phương tạm thời sử dụng 4 loại thuốc để phòng trừ sâu keo, trong đó có hai loại thuốc sinh học và hai loại thuốc hóa học. Muốn phun có hiệu quả, bà con thăm đồng thường xuyên và phun khi còn nhỏ thì hiệu quả, phun trực diện…

Nếu trong trường hợp bị hại nặng, bà con có thể chuyển đổi sang một số loại cây trồng khác. Cũng có những khuyến cáo, chuyển đổi giống ngô có đặc điểm kháng sâu keo cao.

Hồng Uyên – Duy Linh

 


Lượt xem: 104

Trả lời