Niềm vui từ những cây cầu mang tên “Dự án Lramp”

Cập nhật 07/12/2020, 09:12:42

Người dân tại nhiều địa phương vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai giờ đã có được niềm vui trọn vẹn, bởi sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng hàng loạt các cây cầu dân sinh thuộc Dự án Lramp do Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đầu tư, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) cuối cùng cũng đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Không còn cảnh vượt sông, vượt suối mỗi khi nước lớn, mỗi cây cầu giờ đây đã bắc những nhịp vui, góp phần giúp người dân vùng khó thuận tiện trong việc đi lại, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Người dân tại xã Hneng và Nam Yang (huyện Đak Đoa) giờ ví von gọi cầu K’Tập với chiều dài gần 73m, rộng 3m, có tổng vốn đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng này là “ Cây cầu ý Đảng, lòng dân”. Bởi suốt hàng chục năm qua, khi cây cầu chưa được xây dựng, mỗi khi nước lớn, con em cấp II, cấp III ở xã Hneng gần như phải nghỉ học khi không thể đến trường tại xã Nam Yang. Cùng với đó, việc buôn bán, giao thương hàng hóa của người dân 2 xã gần như bị đình trệ…. Nhưng giờ đây, tất cả những nỗi khó khăn ấy đã là câu chuyện của quá khứ.

Ông Khiam – Làng K’Tập, xã Hneng, huyện Đak Đoa bày tỏ: “Nhà nước làm cho dân cây cầu này thì nhân dân rất thoải mái rồi, đi qua đi lại phấn khởi, ai cũng vui mừng hết”.

Ông Huỳnh Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND xã Hneng, huyện Đak Đoa cho biết: “Từ khi có cây cầu này thì đời sống nhân dân được nâng lên. Việc buôn bán hàng hóa, các mặt hàng nông sản thì được thương lái mua tận làng luôn, tại nhà người dân luôn. Đặc biệt con em đi học tại xã Nam Yang thì cũng rất thuận tiện”.

Trong giai đoạn I ( từ năm 2017 đến năm 2020), Dự án Lramp đã triển khai xây dựng 87 cầu, cống tại các địa bàn vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai với tổng vốn đầu tư hơn 191 tỷ đồng. Trong đó xây dựng mới 42 cây cầu và 45 cống. Riêng tại địa bàn huyện Krông Pa, địa phương có số lượng cầu được đầu tư lớn nhất của dự án với 6 cầu, tổng vốn đầu tư  52,76 tỷ đồng, đến thời điểm này cũng đã hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Anh Rơ Ô Tuy – Buôn Ơi Kia, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa cũng cho biết: “Người dân thấy rất vui mừng, phấn khởi vì được Nhà nước quan tâm đầu tư cho cây cầu này. Bây giờ việc buôn bán, thông thương hàng hóa, đi lại dễ dàng hơn, không còn như trước phải thường xuyên vượt lũ nữa. Bây giờ thuận lợi rồi, không còn phải lo lắng gì hết”.

Để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông tại các địa bàn vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh hiện đã xây dựng danh mục và có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục quan tâm, đầu tư thêm 44 cầu, cống thuộc đoạn II của dự án tại 11 địa phương trên địa bàn tỉnh với tổng với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng từ nguồn vốn kết dư thuộc giai đoạn./.

Đoàn Bình – Thanh Sáng – Minh Trí


Lượt xem: 140

Trả lời