Những đột phá của Gia Lai trong phát triển sản phẩm OCOP

Cập nhật 10/5/2022, 16:05:37

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nâng giá trị, chất lượng những sản phẩm thế mạnh sẵn có. Gia Lai với có lợi thế về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng, theo đó, sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tạo nên những đột phá mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Từ đó góp phần giúp người dân trên địa bàn tỉnh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Thực hiện Chương trình OCOP, giai đoạn từ năm 2019-2021, huyện Mang Yang đã có 25 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 24 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao. Sản phẩm OCOP của địa phương rất đa dạng và phong phú như tiêu, cà phê, hoa đu đủ đực sấy, mướp đắng rừng sấy…Các sản phẩm OCOP khi đưa ra thị trường nhận được sự đón nhận tích cực của người tiêu dùng.

Anh Lê Sỹ Diện – Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện, xã Đê Ar, huyện Mang Yang cho biết: “Sản phẩm làm được 3 năm rồi, rất được ưa chuộng, hàng là hàng dân dụng, không sử dụng hóa chất, không có chất báo quản gì hết, làm theo phương thức thủ công, sản xuất theo hướng dược liệu nên người Việt rất ưa chuộng mặt hàng nào, mình cũng ship hàng đi cả nước, sản phẩm bán quanh năm”.

 Ông Võ Minh Quang – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mang Yang cho biết: “Năm 2022 theo kế hoạch huyện cũng xây dựng kế hoạch từ 10-15 sản phẩm OCOP. huyện tiếp tục phối hợp với các địa phương tạo điều kiện giúp đỡ cho các chủ thể, tập huấn cho các chủ thể xây dựng các bước tiếp tục đánh giá các sản phẩm của năm 2022, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh của huyện”.

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, Gia Lai hiện có 214 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3-4 sao cấp tỉnh như cà phê, hồ tiêu, xúc xích tôm biển hồ, bò một nắng muối kiến vàng, hạt mắc ca… Chương trình OCOP đang tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều ý tưởng mới, những sản phẩm mới ra đời ở các địa phương trong tỉnh. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, bản thân các doanh nghiệp, HTX, người dân đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị nông sản nhờ tham gia xây dựng nhãn hiệu, tìm kiếm thị trường.

Anh Nguyễn Văn Hân –  Làng Le 2, xã la Lang, huyện Đức Cơ nói: “Để xây dựng thương hiệu trở nên vững mạnh và có những bước đi vững chắc tôi đã liên kết, hợp tác với những nông hộ ở đây, đến thời điểm này là hơn 10 ha để sản xuất cà phê nhân chất lượng cao”.

Rõ ràng là đã có những thay đổi bước đầu mà Chương trình OCOP mang lại, nhất là tư duy sản xuất của nông dân. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất hiện nay của sản phẩm OCOP vẫn là vấn đề liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm . Do đó, để Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm thực sự phát huy hiệu quả thì công tác quảng bá, xúc tiến đầu ra rất cần được chú trọng. Gia Lai đã có nhiều giải pháp về tìm kiếm thị trường, quảng bá và giới thiệu sản phẩm… Đặc biệt, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại truyền thống, quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử đã giúp các doanh nghiệp, đơn vị, HTX giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm OCOP của Gia Lai ngày càng vươn xa ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Võ Thành Tuân – Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai cho biết: “Hiện tại chúng tôi tăng cường đi giới thiệu sản phẩm OCOP Gia Lai ở thị trường ngoài tỉnh, bằng chứng là vừa rồi chúng tôi tham gia xúc tiến thương mại ở tỉnh Đồng Tháp và sắp tới đây vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai thì chúng tôi cũng đầu tư gian hàng để trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại sự kiện.  Thông qua đó chúng tôi mong rằng khách hàng có cơ hội trãi nghiệm, tiếp cận sản phẩm OCOP nhiều hơn và hiểu rằng sản phẩm OCOP là gì và từng bước đưa sản phẩm OCOP Gia Lai nói chung và các sản phẩm OCOP đang được bày bán tại đây tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng”.

Ông Phạm Văn Binh – Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai  thông tin: “Hiện nay các sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai chủ yếu là hộ gia đình và HTX, năng lực sản xuất vẫn còn hạn chế, đặc biệt chưa quen với việc đưa sản phẩm ra thị trường. Thì nhiệm vụ của ngành công thương chúng tôi là làm sao để các sản phẩm đạt rồi thì phải đến được người tiêu dùng chứ không phải đạt rồi để đó. Cho nên hiện nay chúng tôi đã có chương trình xúc tiến thương mại rất mạnh với các tỉnh. Và khi đi về các tỉnh thì sẽ có những chính sách hỗ trợ như hỗ trợ về vận chuyển, hỗ trợ về tiền thuê mặt bằng và đặc biệt là luôn luôn đi cùng doanh nghiệp, với các doanh nghiệp đi tham gia các hội chợ ở các tỉnh thành đều có Trung tâm xúc tiến thương mại của Sở Công Thương đi cùng các doanh nghiệp để thực hiện việc quảng bá và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”.

Có thể thấy, Chương trình OCOP như làn gió mới giúp các hộ sản xuất, hợp tác xã trên đại bàn tỉnh Gia Lai phát huy tính sáng tạo trong quá trình sản xuất; làm bệ đỡ cho các sản phẩm nông nghiệp vươn xa hơn thị trường truyền thống lâu nay. Điều này cũng đang tạo sức bật kích thích, làm mới kinh tế nông thôn theo hướng bền vững từ việc khẳng định vị thế cho nông sản địa phương. Để nâng tầm các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP và đưa Chương trình OCOP tiếp tục lan rộng, cùng với sự nỗ lực của bản thân, chủ thể các sản phẩm thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật, thị trường và xúc tiến thương mại. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm thị trường hàng hóa và bổ sung thêm nhiều sản phẩm cho hàng Việt Nam chất lượng cao./.

Lê Thư, Phi Long


Lượt xem: 56

Trả lời