Người dân chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu

Cập nhật 08/7/2020, 17:07:17

Trước tình hình dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, ngay trong sáng nay Bộ Y tế đã ký công văn khẩn gửi các Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Đắk Lắk và Gia Lai, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu. Theo đó, ngành y tế đã có kế hoạch triển khai ngay công tác tiêm phòng trước hết tại vùng dịch, đồng thời nhiều người dân đã chủ động đi tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh. Đặc biệt công tác điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai – tuyến cuối trong công tác điều trị cũng đã chuẩn bị nhân lực, vật tư y tế phục vụ cho công tác điều trị.

Có mặt tại phòng tiêm dịch vụ – Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai vào sáng ngày (8/7), có rất nhiều người dân đến đăng ký tiêm phòng bệch bạch hầu. Nhiều người tỏ ra lo lắng vì ở Gia Lai đã xuất hiện ổ dịch tại thôn Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa. Do vậy việc người dân chủ động đi tiêm phòng vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong thời điểm này là rất cần thiết.

Anh Giáp Thanh Hữu Trúc, Người dân  nói: “Tôi nghe tin trên đài thông báo thấy cũng nguy hiểm nên hai cha con đi tiêm văc xin phòng bệnh bạch hầu”.

Chị Lê Thị Thúy, Người dân cũng bày tỏ: “Tôi nghe tin bệnh bạch hầu gây nguy hiểm trầm trọng cho tất cả bà con và cộng đồng nên tôi cố gắng đến đây tiêm phòng. Thứ nhất để phòng bệnh, thứ hai là tôi về tuyên truyền cho mọi người ra đây tiêm cho phòng bệnh trước cho an toàn”.

Nếu trước đây, Phòng tiêm vắc xin phục vụ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai (CDC Gia Lai) trung bình một ngày chỉ khoảng vài trường hợp đến tiêm phòng vắc xin phòng bệnh bạch hầu, chủ yếu là trẻ nhỏ, thì vài ngày trở lại đây nhu cầu tăng cao. Chỉ riêng trong buổi sáng nay, CDC Gia Lai đã có trên 100 trường hợp đến tiêm vắc xin Td phòng bệnh bạch hầu; trong đó, có nhiều người lớn. Để chủ động vắc xin, CDC Gia Lai đã chủ động nhập vắc xin Td; theo đó, ngày 8/7 đơn vị đã nhập về 200 liều vắc xin Td, ngày 10/7 CDC Gia Lai tiếp tục nhập thêm 1.000 liều nữa phục vụ nhu cầu phòng bệnh của người dân.

Ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai  khuyến cáo: “Để phòng chống bệnh bạch hầu thật tốt thì mỗi gia đình cần đưa các cháu đi tiêm đủ liều 6 liều tiêm chủng cơ bản cho trẻ em. Tuy nhiên về khả năng đáp ứng của mỗi cơ thể một khác nên để phòng chống bệnh bạch hầu được tốt thì chúng ta cần tiêm nhắc lại. Ví dụ như trẻ từ 24 đến 48 tháng tuổi nếu như chưa tiêm đầy đủ liều vắc xin 5 trong 1 thì cần thiết phải tiêm thêm liều vắc xin DPT để phòng ngừa bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván và những nhóm đối tượng cao hơn nếu để tăng khả năng miễn dịch của cơ thể thì cũng cần thiết phải tiêm theo liều Td để phòng bệnh bạch hầu uốn ván cho các nhóm đối tượng lớn hơn để phòng bệnh được tốt”.

Đối với công tác điều trị bệnh bạch hầu, Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai hiện đang tiếp nhận 14 trường hợp  cách ly, trong đó có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác điều trị, do phải tiếp nhận nhiều loại bệnh và điều trị cho nhiều bệnh cùng một lúc. Tuy nhiên, đội ngũ y bác sĩ của Khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai luôn sẵn sàng túc trực 24/24h như thời gian cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid – 19.

Bác sĩ Cà Bích Hoàng, Khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết: “Phòng bệnh cho bệnh nhân đông hiện tại vừa có dịch sốt xuất huyết với lại vừa có dịch Covid  – 19 nữa cho nên là khoa vừa cách ly bệnh Covid – 19, vừa cách ly bạch hầu, vừa điều trị sốt xuất huyết và những bệnh thường nữa nên cũng gặp nhiều khó khăn về phòng ốc.

Về công tác chuẩn bị trong khoa về con người cũng có đầy đủ nhân lực sẵn sàng trong công tác điều trị , còn về phương  tiện hiện tại bệnh viện cũng có những phương tiện điều trị như thuốc thang, cố gắng dự phòng những loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân”.

Trên cơ sở xác định địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh, tại Công điện số 862 ngày 8/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị, đảm bảo cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu tại địa phương mình. Không để bệnh bạch hầu lây lan trên diện rộng, nguy hiểm đến tính mạng của người dân/.

Lệ Xuân,Phi Long

 


Lượt xem: 62

Trả lời