Mô hình bán trú, nội trú khuyến khích học sinh DTTS đến trường

Cập nhật 31/1/2018, 16:01:59

Từ việc triển khai thực hiện mô hình bán trú, nội trú để khuyến khích các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đến trường đã giúp cho công tác duy trì sĩ số học sinh ngày một tăng lên; góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Trường TH và THCS Kim Đồng, xã An Thành, huyện Đak Pơ là một trong những trường khó khăn của huyện. Trong năm học này, trường có 421 học sinh, trong đó có 12  học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Kuk Kôn cách trường trên 5 km. Từ nguồn hỗ trợ học sinh học bán trú được trợ cấp khoảng 520 ngàn đồng/tháng/em và 15kg gạo, nhà trường đã nuôi nội trú để các em ăn ở tại trường. Dẫu vẫn biết khó khăn nhưng các em đỡ vất vả trong việc đến trường, đồng thời góp phần duy trì sĩ số học sinh.

Thầy Nguyễn Ngọc Lập, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng, xã An Thành, huyện Đak Pơ cho biết: “Học sinh của trường còn nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh người đồng bào dân tộc thiểu số chưa quan tâm về việc học của con em mình nên nhà trường thường xuyên vận động nhằm duy trì sỹ số học sinh. Các em còn nhỏ nên nhà trường phải thuê người nấu và thầy cô quản lý để các em học tập.”

Bên cạnh mô hình bán trú thì trên địa bàn huyện Đak Pơ đã có Trường THCS Dân tộc Nội trú để phục vụ nhu cầu học tập cho 148 học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Theo chế độ nội trú quy định thì các em được hưởng 80% trợ cấp so với hệ số lương cơ bản, tương đương với mức hỗ trợ hơn 1 triệu đồng/tháng để ăn, ở, sinh hoạt tại trường. Chính vì vậy, các em học sinh khó khăn, xa xôi được tạo điều kiện học tập và được chăm sóc đầy đủ hơn.

Em Đinh Thị Thanh Tâm, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ nói:  “Ở trường nội trú rất thích, chúng em được ăn ngon.  Ngoài giờ học chúng em được học phụ đạo để có thêm kiến thức để kịp kiến thức. Cùng học nhóm để hỗ trợ nhau làm bài tập.”

Thầy Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Pơ cho biết:  “Những năm gần đây địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như thực hiện tốt công tác giáo dục ở địa phương. Đặc biệt trong công tác khuyến khích học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đến trường, từ nhiều nguồn hỗ trợ, học sinh khó khăn có thêm cơ hội đến trường.”

Trên địa bàn huyện hiện có 25 trường học do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện quản lý, trong đó có 1 trường nội trú; 3 trường mầm non; 3 trường tiểu học và trung học cơ sở đã xây dựng được mô hình bán trú. Việc triển khai mô hình này khá phù hợp với điều kiện của nhiều gia đình nên được phụ huynh ủng hộ. Cùng với đó, tạo môi trường thuận lợi để các em học tập, sinh hoạt góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho các trường ở địa phương./.

 Thúy Diện – Thanh Vui –  Minh Trung

 


Lượt xem: 60

Trả lời