Lão nông chuyên tâm làm nông nghiệp sạch

Cập nhật 02/3/2024, 16:03:07

Năm 2010, mặc dù đã 50 tuổi nhưng với bản tính ham học hỏi, ông Lê Hùng Anh ở thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh bắt đầu tìm hiểu làm nông nghiệp sạch. Sau hơn 10 năm miệt mài, nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đến nay trang trại nông nghiệp sạch của ông đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Lê Hùng Anh xác định “muốn có sản phẩm sạch hữu cơ phải có phân hữu cơ sạch”, vì vậy ông đã tìm hiểu nuôi sâu can-xi để làm phân hữu cơ. Sau thời gian tìm hiểu trên mạng, ông đến trực tiếp trang trại Hưng Điền tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh để học hỏi cách nuôi sâu hiệu quả. Ông về áp dụng xây dựng chuồng nuôi sâu với diện tích 80 m2. Tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả để làm thức ăn cho sâu, trung bình 1 tháng gia đình ông thu khoảng 1-2 tấn sâu thành phẩm. Sản phẩm sâu giàu chất dinh dưỡng, ông dùng để làm thức ăn chăn nuôi và trồng trọt.

Ông Lê Hùng Anh – Thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh nói: “Muốn có được sản phẩm sạch hữu cơ thì ta phải có phân hữu cơ sạch. Phân hữu cơ là mình phải chăn nuôi, có thể chăn nuôi con sâu can-xi. Khi mà nuôi sâu can-xi này thì nó là mô hình nuôi rất là dễ, thứ hai là cho năng suất cao, thứ 3 nữa là khi mà ra sản phẩm từ con sâu này thì nó là thực phẩm sạch để mình chăn nuôi bất cứ con gì. Phân từ sâu can-xi này mình bón cho cây công nghiệp, cây lâu năm, cây ngắn ngày và tất cả các loại cây đều cho ra sản phẩm sạch.”

Lúc mới thực hiện mô hình nuôi sâu can-xi, ông Lê Hùng Anh gặp rất nhiều khó khăn. Như năm 2016, gia đình ông đối diện với nguy cơ thiệt hại gần 1.000 con gà vì thực hiện sai quy trình kỹ thuật trong quá trình chế biến thành phẩm sâu can-xi thành thức thức ăn cho gà. Khó khăn là vậy, nhưng ông luôn bình tĩnh, kiên trì học hỏi, tìm ra nguyên nhân, duy trì mô hình thành công đến ngày hôm nay.

Ông Lê Hùng Anh – Thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh chia sẻ: “Mình làm mười mấy năm nay thì có rất nhiều những cái khó khăn. Khó khăn thứ nhất là trong tỉnh Gia Lai đầu tiên tôi nuôi sâu can-xi chưa có người nào nuôi. Tôi phải lần mò đi tới tận Củ Chi, Đồng Nai rồi các tỉnh phía Bắc; lên mạng, điện thoại, hỏi những người đi trước để truyền bá cho mình kinh nghiệm nuôi con sâu này cho nó thành công.”

Ông Lê Hùng Anh sử dụng sản phẩm sâu can-xi để làm thức ăn chăn nuôi một năm hơn 4.000 con gà; 10 con heo nái rừng lai và làm phân bón chăm sóc 4 ha cà phê. Sử dụng hoàn toàn sản phẩm sâu can-xi, ông Anh đã làm nông nghiệp sạch không dùng chất kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, giúp ông tiết kiệm chi phí đầu tư, hàng năm thu lời khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Võ Xuân Bảo – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh nhận xét: “Ông Lê Hùng Anh là một nông dân thực thụ. Là người tiêu biểu đi đầu. Ông Lê Hùng Anh rất có tinh thần học hỏi, rút kinh nghiệm. Hiện nay tạo ra sản phẩm sạch, phát triển kinh tế cho hộ nông dân. Ngoài phát triển kinh tế sâu can-xi còn có ảnh hưởng tích cực về môi trường.”

Nhờ chuyên tâm học hỏi, lão nông Lê Hùng Anh đã tiên phong thực hiện hiệu quả việc nuôi sâu can-xi trong sản xuất nông nghiệp sạch tại huyện Chư Păh. Ông đang cùng Hội Nông dân huyện, tỉnh tuyên truyền, giúp bà con nông dân nhân rộng mô hình để tăng lợi nhuận và bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Diễm Ly – Văn Cảnh


Lượt xem: 12

Trả lời