Khi phụ nữ Ia Pết gắn bó với nghề đan lát

Cập nhật 31/1/2024, 06:01:27

Nhiều năm nay, làng Nglâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa nổi tiếng với nghề đan lát các sản phẩm từ tre nứa và lồ ô. Điều đặc biệt là nếu như trước đây, chỉ có đàn ông trong làng thường gắn bó với nghề truyền thống này thì hiện nay, nhiều phụ nữ ở đây cũng đã chịu khó học hỏi và tự tay đan được những chiếc gùi xinh xắn, tiện lợi. Để góp phần giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc, gần 1 năm nay, tổ đan lát của phụ nữ làng Nglâm Thung được thành lập và đi vào hoạt động, giúp chị em thêm gắn bó với nghề truyền thống để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Tổ đan lát của phụ nữ làng Nglâm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa được thành lập vào tháng 3/2023 và hiện thu hút gần 20 chị em tham gia. Nghề truyền thống này phần lớn được các chị em học hỏi từ chồng của mình. Khi thấy chồng ngồi đan và chịu khó học hỏi làm theo, dần dần nhiều phụ nữ trong làng đã có thể tự tay đan được những chiếc gùi truyền thống, mộc mạc theo kiểu cơ bản nhất. Không chỉ có thể phụ giúp và chia sẻ công việc với chồng, điều mà các chị em cảm thấy vui mừng là từ việc tranh thủ đan gùi những lúc rảnh rỗi, các chị em có thêm đồng ra đồng vào để chi tiêu trong gia đình.

Chị Ly Da – Xã Ia Pết, huyện Đak Đoa nói: “Thấy chồng làm, vợ mình giúp. Người ta đi mua nhiều mà, có tiền mua mắm, mua bột ngọt.”

Chị Plem – Xã Ia Pết, huyện Đak Đoa bộc bạch: “Mình học nghề đan lát này từ chồng của mình. Khi nào rảnh thì mình tranh thủ đan để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Hai vợ chồng cùng làm chung cũng vui lắm.”

Từ nguyên liệu chính là tre và lồ ô được lấy từ rừng về, người dân ở làng Nglâm Thung có thể đan lát được nhiều sản phẩm, kích thước, màu sắc khác nhau, như: Gùi, nhà rông, giỏ xách… nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Trong đó, các chị em chuyên làm gùi vì nó đơn giản và không cần kỹ thuật cao so với những sản phẩm khác. Tùy thuộc vào kích thước, mẫu mã, mỗi chiếc gùi được mua với giá từ trên 100 ngàn đồng đến hơn 500.000 đồng. Sản phẩm đan xong tới đâu được thương lái mua hết đến đó nên nhiều gia đình trong làng có thêm thu nhập để cải thiện đời sống.

Chị Blem – Xã Ia Pết, huyện Đak Đoa chia sẻ: “2 vợ chồng mình đan 1 ngày 3 cái gùi. Người ta biết đan xong là họ tới lấy đi bán 1 cái gùi là 200 ngàn, 3 cái là 600 1 ngày.”

Bà Thal – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Pết, huyện Đak Đoa cho biết: “Lúc rảnh rỗi mấy chị làm, làm rẫy xong tranh thủ làm, có khi người ta đặt nhiều hàng phải làm ban đêm để có thu nhập trong gia đình, kiếm thêm thu nhập cho chị em, giữ được nghề truyền thống của dân tộc. Các sản phẩm chị em làm ra, làm tới đâu thương lái mua tới đó, bán ra ngoài tỉnh, nước ngoài nên các chị yên tâm phát triển nghề truyền thống của dân tộc.”

Từ việc đan gùi không chỉ giúp phụ nữ làng Nglâm Thung có thêm việc làm những lúc mùa vụ rảnh rỗi mà còn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, sinh hoạt trong gia đình. Qua đó góp phần giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc, tạo nên những dấu ấn đặc sắc trong các sản phẩm đan lát của xã Ia Pết, huyện Đak Đoa.

Thiên Thanh – Viễn Khánh


Lượt xem: 34

Trả lời