Kết nối cung cầu vẫn còn khó với doanh nghiệp

Cập nhật 16/9/2017, 15:09:26

Kết nối cung cầu là cơ hội cho các nhà sản xuất, các doanh nghiệp phân phối sản phẩm thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; nhất là giải quyết đầu ra cho các loại nông sản sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá cả hợp lý, góp phần phát triển thị trường, thương hiệu và thị phần, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, trên cả nước nói chung và tại Gia Lai nói riêng, việc kết nối cung cầu hàng hóa vẫn còn đang là một trong những khó khăn của không ít các doanh nghiệp.

 

Cùng với các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực đứng tốp đầu của cả nước như: Hồ tiêu, cà phê, cao su và mía đường, đóng góp hàng tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của quốc gia; Gia Lai còn được biết đến với nhiều sản phẩm cây ăn trái được xem là đặc sản của địa phương như: Sầu riêng, bơ, xoài… Thế nhưng trên thị trường trong tỉnh, những sản phầm này dường như vẫn chưa thực sự tạo được thương hiệu. Tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku, với khoảng 90% hàng hóa là hàng nội địa, thế nhưng những sản phẩm đặc trưng của Gia Lai rất ít, chỉ duy nhất sản phẩm rau xanh thương hiệu rau sạch An Phú.

Ông Bùi Quốc Bình – Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku, Gia Lai cho biết: “Tại địa bàn TP.Pleiku cũng như tỉnh Gia Lai, việc tìm nhà cung cấp để mà kinh doanh các mặt hàng cung cấp hàng cho siêu thị thì hiện nay rất là thiếu cả về số lượng và chất lượng. Điển hình như các mặt hàng đặc sản địa phương thì khi các thủ tục cơ quan Nhà nước yêu cầu như Giấy chứng nhận ATVSTP, xác nhận an toàn thực phẩm của người quản lý, của đơn vị cũng như các tiêu chuẩn về công bố chất lượng hoặc là kiểm nghiệm thì các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn hầu như là thiếu”.

Khó khăn trong kết nối cung cầu để đưa hàng hóa ra thị trường hiện nay đối với các doanh nghiệp, các hộ nông dân, các hợp tác xã đó là các sản phẩm chưa đạt được những tiêu chuẩn nhất định của thị trường cả về số lượng cũng như chất lượng. Thực tế cho thấy, những sản phẩm khi sản xuất ra muốn được thị trường chấp nhận và vào được các kênh của hệ thống phân phối thì phải đạt tiêu chuẩn theo quy định; thế nhưng với người nông dân hiện nay, để có được những giấy chứng nhận cho sản phẩm ra thị trường thì họ vẫn đang còn loay hoay, lúng túng trong việc phải làm thế nào để đăng ký chất lượng sản phẩm. Và cũng chính vì thế mà mặc dù là thị trường nhiều tiềm năng cho các nhà sản xuất, kinh doanh đầu tư, khai thác; nhưng các mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền của tỉnh Gia Lai hiện vẫn chưa thực sự tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang – PGĐ Sở Công thương TPHCM cho biết: “Hiện nay Gia Lai thì tôi nghĩ là có rất nhiều sản phẩm đặc trưng và có khả năng là không chỉ đưa ra được thị trường nội địa mà có thể xuất khẩu rất tốt như: Cà phê, hạt tiêu. Tuy nhên là những sản phẩm này phải được chăm chút nhiều hơn, các DN của Gia Lai khi sản xuất ra cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, rồi thì phải có nguồn ổn định đầy đủ để mà khi đưa ra thị trường không có bị hụt. Mà tôi nghĩ là nếu đạt được các điều kiện này thì Gia Lai có khả năng đưa được các sản phẩm vùng miền của mình ra thị trường cũng như là xuất khẩu ở các nước”.

Những hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa chính là cơ hội để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở ra cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường của các doanh nghiệp. Tuy nhiên để sản phẩm phát triển bền vững, việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của thị trường là điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm; cùng với đó là việc xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của đơn vị, của địa phương; tạo cơ hội cho những sản phẩm hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng./.

Mỹ Tiến- Xuân Huy – Cao Duy

 

 


Lượt xem: 42

Trả lời