Huyện Ia Pa, 04 làng bị cô lập do thủy điện xả lũ.

Cập nhật 04/10/2013, 09:10:39

Ngày 03 tháng 10 năm 2013, đồng loạt thủy điện An Khê Ka Nat và đập thủy lợi Ayun Hạ đều xả lũ với lưu lượng hàng nghìn m3/giây, đến 02 giờ chiều cùng ngày, 04 làng Plei Du, Mơ Năng II thuộc xã Cư Răng và xã Kim Tân, 02 buôn Jứ Ma Uôk và Jứ Ma Hoét thuộc xã Ia Broai Huyện Ia Pa bị cô lập hoàn toàn.

Đồng loạt các Thủy điện xả lũ làm mực nước các sông, suối dâng cao gây ngập lụt ở địa bàn huyện Ia Pa.

Do ảnh hưởng tàn dư của cơn bão số 10, trong hai ngày liên tiếp trên địa bàn Huyện Ia Pa đều có mưa to, lượng nước các sông suối đều ở mức đỉnh điểm. Bên cạnh đó, hai thủy điện An Khê-Ka Nát và thủy điện Đăk Pi Hiao lại đồng loạt xả lũ, chính vì vậy mà mực nước các sông suối càng lên nhanh chóng. Đến 02 giờ chiều, tại sông Ba mực nước đã lên báo động III, nhưng tốc độ dòng chảy vẫn không ngừng tăng. Ngay sau khi có nước lũ tràn về, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Huyện đã chỉ đạo cho UBND các xã vùng xung yếu như Ia Broai, Ia Trok, Kim Tân, Chư Răng và Pờ Tó chủ động đề phòng mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Chỉ trong thời gian ngắn vùng thượng nguồn như xã Chư Răng, Kim Tân đã có 02 làng bị cô lập hoàn toàn, cụ thể là làng Plei Du và Làng Mơ Năng II với trên 300 hộ. Mực nước càng ngày càng lên nhanh và chảy xiết nên các loại phương tiện không thể tiếp cận, UBND các xã đã liên tục chỉ đạo bằng điện thoại cho cán bộ thôn, làng chủ động ứng phó với nước lũ, đặc biệt là chủ động nguồn lương thực, thực phẩm.

Nhiều diện tích hoa màu, nhà cửa của dân bị ngập sâu trong nước.

 

Trao đổi với chúng tôi ông Lương Xuân Thái-Chủ tịch UBND xã Kim Tân – Huyện Ia Pa cho biết: “Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của xã đã tập chung anh em chuẩn bị tinh thần ứng cứu cho bà con. Một số hộ ở vùng trũng thì đã chủ động di chuyển người và tài sản lên vùng an toàn. Riêng thôn Mơ Năng II đã bị cô lập, nước ngập đập tràn hiện giờ khoảng 03 mét. Xã đã chỉ đạo thôn trưởng, vận động bà con, chủ động thu xếp tài sản lên khu vực an toàn. Đồng thời tiếp tục phân công lực lượng trực hết đêm nay, đặc biệt là lược lượng công an, dân quân và thanh niên để chủ động ứng cứu cho bà con nhân dân trong xã”.

Về phía hạ lưu, xã Ia Broai là đơn vị thiệt hại nặng nề nhất, đến 03 giờ chiều nước lũ dâng lên quá nhanh, tất cả các diện tích hoa màu của xã đều bị ngập, 02 buôn Jứ Ma Uôk và Jứ Ma Hoét bị cô lập hoàn toàn với tổng số 250 hộ dân. Ban chỉ đạo cũng như lực lượng cứu hộ của Huyện đều đã được huy động xuống vùng xung yếu này, tuy nhiên, từ nơi bị nước lũ chia cắt tới nơi tập trung dân cư của 02 thôn lại khá xa, đến 05 giờ chiều, ca nô cứu hộ mới tiếp cận được vùng bị ngập.

Ông Lữ Phúc Phong -Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Huyện Iapa nói:“Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Huyện đã chia làm 02 tổ. 01 tổ phụ trách ở Huyện còn 01 tổ phụ trách ở 04 xã bên kia sông. Từ sáng đến giờ, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Huyện tiếp tục liên lạc với Ban phòng chống lụt bão Tỉnh.  Ban phòng chống lụt bão Huyện đã chỉ đạo, đưa ca nô qua để đưa người già và trẻ em về nơi an toàn”.

Những người dân đầu tiên được đưa lên vùng an toàn.

Sau hơn 01 tiếng đồng hồ, ca nô cứu hộ mới đưa được 20 người dân đầu tiên lên vùng an toàn, và được Ban phòng chống lụt bão Huyện bố chí chỗ ăn, ngủ tại trường Trung học cơ sở Lê Lợi xã Ia Broai. Theo phản ánh của người dân, nước lũ càng ngày càng lớn, có vùng đã bị ngập sâu từ 1,5 đến 02 mét. Tất cả gia súc, gia cầm đều được dắt cột trên nhà sàn. Vì trời tối, phương tiện thiếu nên chúng tôi không thể tiếp cận được khu vực xung yếu. Thông tin chi tiết về phần thiệt của trận lũ chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tới quý vị và các bạn trong bản tin tiếp theo.

Lê Hưng – Nguyễn Ly


Lượt xem: 449

Trả lời