Hiệu quả từ việc đa dạng hóa cây trồng ở huyện Đak Pơ

Cập nhật 31/10/2017, 08:10:11

Là huyện thuần nông nên những năm qua, huyện Đak Pơ đặc biệt chú trọng chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng gắn với từng bước phát triển nông nghiệp chất lượng cao, hình thành nhiều mô hình sản xuất mới. Nhờ đó, ngành nông nghiệp của huyện có những bước đột phá và phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đắc lực vào việc đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho nhân dân ở địa phương.

Huyện Đak Pơ đã tận dụng và khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu để phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó chú trọng đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đầu tư áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Ngoài ba loại cây trồng mang tính truyền thống ở địa phương gồm: Cây mía (8.400 ha), rau (6.000 ha), cây mì (hơn 2.000 ha) thì trong những năm gần đây các ngành chức năng ở huyện Đak Pơ đã hỗ trợ nông dân triển khai nhiều mô hình phát triển diện tích các loại cây ăn quả theo hướng sản xuất hữu cơ, tạo nông sản sạch tại các địa phương trong huyện như: Cây quýt đường ở xã Hà Tam, cây nhãn lồng Hưng Yên ở xã Phú An, cây na dai ở xã Cư An, cây thanh long ruột trắng có nguồn gốc từ Singapore ở xã Yang Bắc … Việc triển khai các mô hình mới này đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, điển hình mô hình sản xuất cây thanh long ruột trắng có nguồn gốc từ Singapore do gia đình ông Trần Xuân Liêm ở làng Kroi, xã Yang Bắc triển khai đầu tiên tại huyện với diện tích 3 ha có mức thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ chi phí.

Ông Trần Thanh Liêm- xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ- Gia Lai cho biết: “Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long có nguồn gốc từ Singapore không khó mấy, tuổi thọ của cây rất cao, sản phẩm thị trường rất ưu chuộng, việc sản xuất mang lại lợi nhuận rất cao, gấp nhiều lần so với cây mía và cây mì… Gia đình đang hướng dẫn nhiều người khác làm theo”.

Nhiều gia đình trên địa bàn huyện Đak Pơ đã chuyển nhiều diện tích sản xuất cây lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác, riêng trong năm 2016 chuyển đổi hơn 60 ha sang trồng các loại rau, ớt, bí, cây ăn quả… Hiện toàn huyện Đak Pơ có hơn 24.000 ha đất nông nghiệp, trong đó đã hình thành nhiều vùng chuyên canh một số loại cây trồng theo mô hình cánh đồng lớn, hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích canh tác ngày càng nâng cao.

Ông Nguyễn Trường- Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ- Gia Lai cho biết: “Đối với huyện Đak Pơ tỷ trọng ngành nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn. Do vậy, bên cạnh nâng cao năng suất cây trồng huyện cũng chú ý đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp để từ đó nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, tạo khả năng thắng lợi cao hơn. Huyện chú trọng ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, huyện đã làm một số việc như triển khai mô hình cánh đồng lớn đối với cây mía và tập trung sử dụng thủy lợi có hiệu qủa trong việc áp dụng tưới nước tiết kiệm đối với các cánh đồng rau, đưa các loại giống mới vào sản xuất như giống thanh long ruột trắng có nguồn gốc từ Singapore đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao”.

Hiệu quả từ việc triển khai các chủ trương, chính sách nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở huyện Đak Pơ không chỉ tạo nguồn sản phẩm nông nghiệp phong phú và chất lượng cao, làm giảm áp lực và sự phụ thuộc quá lớn vào các cây trồng chủ lực lâu nay ở huyện như cây mía, mì và rau mà qua đó còn hạn chế những rủi ro do điệp khúc “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”… Mỗi năm, diện tích đất canh tác của huyện Đak Pơ tăng từ 100 đến 200 ha, tổng giá trị kinh tế ngành nông nghiệp của huyện cũng tăng cao qua từng năm. Đây là tiền đề vững chắc để phát triển ngành nông nghiệp của huyện một cách bền vững và hiệu quả, đồng thời mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân ở địa phương./.

 Hà Đức ,R’Piên


Lượt xem: 142

Trả lời