Gia Lai thiếu nguồn dược liệu cho y học cổ truyền

Cập nhật 14/6/2016, 09:06:21

Tại Gia Lai những năm gần đây, việc thiếu nguồn dược liệu cũng như chất lượng nguồn dược liệu chưa thực sự làm người dân yên tâm đã và đang ảnh hưởng đến tỷ lệ người dân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

 

 

Bệnh viện các huyện, thị xã, thành phố và các trạm y tế trên địa bàn tỉnh có khám chữa bệnh bằng Đông y nhưng thường không có, hoặc không đủ dược liệu để đáp ứng yêu cầu người bệnh

Tại Gia Lai, hiện nay ngoại trừ Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng tỉnh, Phòng chẩn trị của Hội Đông y tỉnh và Bệnh viện Đa khoa huyện Chư Sê có đầy đủ nguồn dược liệu đảm bảo nguồn gốc phục vụ cho điều trị chuyên môn thì còn lại bệnh viện các huyện, thị xã, thành phố và các trạm y tế trên địa bàn tỉnh có khám chữa bệnh bằng Đông y thường không có, hoặc không đủ dược liệu để đáp ứng yêu cầu người bệnh, mà phải dùng thuốc thành phẩm thay thế.

Ông Nguyễn Ngữ – Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Gia Lai cho biết: “ Một số người bệnh không còn tin vào dược liệu nhập qua đường tiểu ngạch trong lúc nguồn dược liệu trong nước đang thiếu. Các cấp hội có vận động người dân trồng thì hiện nay lại có quy định mới không không thuận lợi cho việc thu mua vì cơ sở thu mua và buôn bán phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thuộc phạm vi kinh doanh dược liệu theo Thông tư số 03 năm 2016 của Bộ Y tế mới ban hành”.

Theo số liệu của Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam đã thống kê được trên 4.000 loài cây trong rừng tự nhiên có thể sử dụng làm thuốc. Bên cạnh đó không chỉ một số dược liệu chữa được bệnh thông thường mà hiện nay đã nghiên cứu, phát triển thành công những loại thuốc có tác dụng chữa các bệnh nan y. Thế nhưng vấn đề đặt ra đó là làm gì để phát triển nguồn dược liệu phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc, nhất là thuốc y học cổ truyền trong nước cũng như ngay tại mỗi địa phương, trong đó có Gia Lai.

 “ Bảo đảm chất lượng dược liệu nhập; chú trọng bảo vệ, nuôi trồng, và sử dụng nguồn dược liệu trong nước, trước khi quá muộn. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thuốc Nam; sưu tầm, bảo tồn các bài thuốc chữa bệnh có hiệu quả của các dân tộc Tây Nguyên”, ông Nguyễn Ngữ nói.

Theo Thông tư số 03 năm 2016 của Bộ Y tế mới ban hành để quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu, có hiệu lực thi hành từ ngày 06/3/2016 thì tất cả dược liệu nhập phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, có đối tác bên nhập được phép kinh doanh dược liệu. Đặc biệt, từ ngày 01/7/2016 tới đây, một số dược liệu được đưa vào danh mục phải có phiếu kiểm nghiệm chất lượng của từng lô khi nhập khẩu sẽ giúp người dân yên tâm hơn về chất lượng nguồn dược liệu nhập; tuy nhiên vấn đề mấu chốt vẫn là làm thế nào để phát triển được nguồn dược liệu phục vụ cho y học cổ truyền ngay chính ở các địa phương, bởi Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh về nguồn dược liệu này ./.

Mỹ Tiến – Xuân Huy


Lượt xem: 108

Trả lời