Gia Lai thành công trong việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất

Cập nhật 22/2/2024, 06:02:09

Nhờ có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã tập trung phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao chất lượng cũng như tăng giá trị vốn có của các sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Đây là một trong những vùng nguyên liệu thuộc Dự án sản xuất khoai tây bền vững do Nhóm công tác PPP (đối tác công – tư) rau quả, bao gồm Cục trồng trọt và một số công ty hợp tác triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai thông qua hình thức liên kết sản xuất với bà con nông dân. Dự án được triển khai từ năm 2019 với quy mô ban đầu là 30 ha, đến nay sau 5 năm đã phát triển được trên 500 ha, tập trung tại các huyện: Chư Prông, Chư Sê, Đăk Đoa và thành phố Pleiku. Dự án được thực hiện theo quy trình khép kín từ đầu tư chăm sóc đến bao tiêu đầu ra và chế biến sản phẩm. Nhờ áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại đã mang lại những kết quả vượt trội, năng suất khoai thu hoạch trung bình đạt từ 23-26 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống, riêng trong năm 2023 năng suất đạt từ 30-34 tấn/ha.

Mới đây, qua đi kiểm tra thực hiện vùng nguyên liệu tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông,  lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai đánh giá cao chuỗi liên kết sản xuất khoai tây bền vững được triển khai trong 5 năm qua.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai nói: “Đối với khoai tây, Việt Nam là một trong những nước có điều kiện, một thị trường lớn trên 2 triệu tấn, nhưng trong nước chỉ mới đáp ứng được 50%, còn lại phải nhập khẩu. Riêng Việt Nam nếu bố trí mùa vụ hợp lý thì chúng ta nâng tỷ lệ, chủ động thị trường khoai tây, giảm nhập khẩu. Đây là hướng mà Bộ đã có hướng dẫn và khuyến khích, đối với Gia Lai chúng ta cũng khuyến khích đi theo hướng này dựa trên điều kiện thời tiết phù hợp, có thể trồng vào vụ khô và vụ mưa.”

Tính đến nay tỉnh Gia Lai đã xây dựng được 15 chuỗi liên kết sản xuất với trên 237 ngàn ha cây trồng các loại. Thông qua các chuỗi liên kết, người dân, HTX và doanh nghiệp đang thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất khép kín, hữu cơ, an toàn sinh học nhằm bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu hướng đến xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Lê Văn Cảm – Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Chư Prông cho biết: “HTX Nông nghiệp hữu cơ Chư Prông, thành lập năm 2019 , từ đó đến nay HTX đi theo mô hình liên kết chuỗi giá trị về cây bắp sinh khối và chanh dây. Vừa rồi cũng được tỉnh hỗ trợ về cán bộ trẻ về làm việc. Từ khi thành lập đến nay hoạt động ổn định, doanh thu tăng đều. Năm 2021 doanh thu 10 tỷ, 2022 là 28 tỷ, 2023 là 30 tỷ.”

Song song với việc xây dựng các Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp mang tính định hướng, khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết, ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng khá linh hoạt  trong quá trình triển khai thực hiện dựa trên năng lực doanh nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Đây là hướng phát triển theo tư duy kinh tế lấy chất lượng làm thước đo của giá trị sản xuất.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai trao đổi: “Về phía ngành chúng tôi cũng định hướng và tham mưu UBND tỉnh phát  triển vùng nguyên liệu nên khuyến khích để doanh nghiệp tự quyết định phát triển vùng nguyên liệu. Về phía cơ quan nhà nước sẽ đồng hành, công khai minh bạch để người dân tham gia. Trên tinh thần chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chúng ta sản xuất ra những hàng hóa có thị trường, có tiêu chuẩn, chúng tôi khuyến khích có nhiều doanh nghiệp để đồng hành cùng nông dân.

Qua đánh giá thực tế cho thấy, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết trên các loại cây trồng, vật nuôi đã mang lại kết quả vượt trội so với diện tích bên ngoài cả về năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm. Đây chính là chìa khóa mang lại những thành công cho ngành nông nghiệp Gia Lai trong những năm gần đây. Trong khi nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn thì giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng qua từng năm, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Hông Uyên – Thanh Sáng


Lượt xem: 10

Trả lời