Gia Lai mang văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên ra Tây Bắc

Cập nhật 19/4/2024, 11:04:32

Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” là hoạt động văn hóa, du lịch trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia – Điện Biên 2024 và Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024). Gia Lai vinh dự là một trong 21 tỉnh, thành phố tham gia sự kiện và đây là cơ hội để giới thiệu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến với vùng đất Tây Bắc.

Chuẩn bị tham gia sự kiện, các nghệ nhân làng M’Rông Yố, xã Ia Ka, huyện Chư Păh tạm gác lại công việc nương rẫy để dành thời gian tập luyện những bài chiêng truyền thống của người Jrai. Sự tham gia của đoàn 20 nghệ nhân từ Gia Lai, đại diện các dân tộc Tây Nguyên tại triển lãm hứa hẹn sẽ mang đến những phần biểu diễn ấn tượng.

Nghệ nhân Rơ Châm Klunh – Xã Ia Ka, huyện Chư Păh hào hứng: “Bà con những ngày qua tập luyện chuẩn bị đi biểu diễn ở Điện Biên. Dù khó khăn nhưng bà con rất vui, rất mừng và cố gắng”.

Tham gia triển lãm, Đoàn Gia Lai sẽ sử dụng cồng chiêng để trình tấu các tiết tục đón khách “Mừng Chiến thắng Điện Biên” cùng với tái hiện các nghi lễ Đâm trâu, bỏ mả, hát dao duyên “Hẹn hò bên suối”, Tiếng chim Pơrtôk… Các tiết mục thể hiện văn hóa đặc trưng của cộng đồng, ca ngợi vẻ đẹp và tình yêu quê hương, đất nước.

Nghệ nhân Rơ Châm Nguyệt – Xã Ia Ka, huyện Chư Păh vui vẻ nói: “Tụi em rất đoàn kết. Được tập hợp, trò chuyên đông vui với mọi người. Đặc biệt tham gia nhiều chương trình, biết đến các bạn bè xa hơn”.

Nghệ nhân Rơ Châm Yol – Xã Ia Ka, huyện Chư Păh chia sẻ: “Thể hiện những bài dân ca của dân tộc mình, Yol cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc. Và cũng mong muốn sau này truyền lại cho những lớp trẻ để tiếp bước truyền thống ông cha để lại”.

Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm góp phần bảo tồn di sản văn hóa. Đặc biệt, việc tham gia Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” diễn ra từ ngày 20 đến ngày 25/4/2024 tại tỉnh Điện Biên sẽ là cơ hội để các dân tộc Tây nguyên học hỏi, giao lưu và giới thiệu văn hóa của dân tộc mình.

Ông Nguyễn Ngọc Long – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Gia Lai cho biết: “Tôi cũng hi vọng với chương trình này thêm một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như sự tin tưởng của bà con các dân tộc Tây Nguyên cố gắng, phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Với âm thanh trầm hùng của tiếng cồng, tiếng chiêng cùng với vũ điệu xoang uyển chuyển, làn điệu dân ca ngân vang, hy vọng Đoàn Nghệ nhân Gia Lai sẽ tạo ấn tượng đẹp đối với bạn bè mọi miền Tổ quốc và quốc tế về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.

Ngọc Thủy – Quốc Cường


Lượt xem: 90

Trả lời