Đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ trực tuyến trong hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Cập nhật 23/10/2019, 08:10:56

Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước vào kiểm soát và thanh toán chi cho các đơn vị sử dụng Ngân sách nhà nước là bước tiến mới trong cải cách hành chính ở hệ thống Kho bạc tỉnh, hướng đến mục tiêu xây dựng “Kho bạc điện tử”. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, sẽ cần hơn nữa sự mạnh dạn trong tư duy, số hóa các dịch vụ công…từ các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Thực hiện lộ trình ứng dụng DVCTT trong hệ thống kho bạc, Kho bạc NN Gia Lai đã tích cực phối hợp triển khai đến các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2019. Đến nay, trong tổng số gần 2000 đơn vị sử dụng NSNN, Gia Lai đã có 94,6% đơn vị đã đăng kí sử dụng, 94,7% trong số này đã chính thức sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Nhiều huyện, thị xã như Chư Prông, Phú Thiện, Ayunpa có tỷ lệ đơn vị sử dụng dịch vụ công TT đạt gần 100%. Riêng tại Kho bạc NN tỉnh, có 75% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đã chính thức sử dụng dịch vụ này cho hoạt động kiểm soát các khoản chi từ Ngân sách.

Chị Trần Thị Như Ý, Kế toán Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai cho biết: “Sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì thuận lợi rất nhiều, giảm tải công việc, kế toán chỉ việc ngồi tại chỗ chuyển hồ sơ đi kho bạc, không cần hồ sơ giấy như trước. Đơn vị có thể có thể biết được hồ sơ được xử lý đến công đoạn nào. Hồ sơ tôi cũng có thể in, lưu mà không cần chạy đi lấy như trước đây. Như vậy thì thấy thuận lợi quá so với trước đây”.

 Việc sử dụng chứng từ điện tử không chỉ thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách mà còn dễ dàng, đơn giản cho cả công chức kho bạc nhà nước. Không chỉ tránh được rủi ro trong giả mạo chữ, kí, con dấu, công chức kho bạc còn bớt được thời gian và thiếu sót do không phải nhập lại chứng từ, giảm chi phí lao động cho công chức.

Chị Triệu Thị Thu Hường, Giao dịch viên Kiểm soát chi NSNN, Kho bạc Nhà nước Gia Lai cho biết: “Trong quá trình kiểm soát giao dịch thì thuận lợi hơn rất nhiều khi khách hành sử dụng dịch vụ công. Giao nhận hồ sơ thể hiện rõ ràng, chuyển tra kết quả, giải quyết hồ sơ mọi lúc chứ không phải tiếp xúc với khách hàng”.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng phòng Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước Gia Lai nói: “Những đơn vị chuẩn bị tham gia cần có đầu tư về thiết bị đường truyền đủ mạnh để doawload dữ liệu. Trang bị máy scan hồ sơ theo quy định. Khi có đủ điều kiện liên hệ với kho bạc để thực hiện. Người chủ tài khoản phải quán lý chặt chữ kí số”.

Tuy nhiên, thói quen giao dịch trực tiếp bằng chứng từ giấy tại Kho bạc nhiều năm nay ở không ít đơn vị, cùng với điều kiện cơ sở vật chất chưa được đầu tư tương xứng đang là một trong những khó khăn lớn, cản trở việc mở rộng ứng dụng tại Gia Lai. Cùng với đó, thời hạn xin cấp chứng thư số còn chậm, việc số hoá các dịch vụ công trên địa bàn tỉnh còn hạn chế…cũng là những vướng mắc khi các đơn vị muốn tham gia DVCTT. Điều này cũng khiến cho mục tiêu đạt 100% các đơn vị sử dụng DVCTT Kho bạc vào cuối năm 2019 của tỉnh cần những giải pháp căn cơ hơn.

Ông Phạm Quang Bút, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng tôi tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tham gia DVCTT, nâng cao ý thức trách nhiệm cho công chức giúp việc cho các đơn vị, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị khi vận hành hệ thống dịch vụ công”.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, Kho bạc Nhà nước Gia Lai đang từng bước hoàn thiện và tăng cường hơn nữa trong triển khai DVC trực tuyến trên toàn hệ thống. Đây cũng chính là nền tảng hình thành tác phong làm việc mới của nền văn hóa công vụ hiện đại, minh bạch, giảm bớt những hạn chế nền hành chính giấy tờ trực tiếp như trước đây, hướng đến mục tiêu Kho Bạc điện tử theo đúng lộ trình đã đề ra./.

Minh Lý, Viễn Khánh

 


Lượt xem: 52

Trả lời