Cơn lốc đa cấp quét về vùng biên

Cập nhật 14/6/2016, 09:06:26

Không thuyết phục được người dân thành phố, không ít mạng lưới bán hàng đa cấp đã tìm đến các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tiếp cận những nông dân nhẹ dạ cả tin. Vì vậy, thời gian qua nhiều người dân đã mất trắng tiền của vì nhẹ dạ cả tin vào đa cấp. Phóng sự được thực hiện tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông .

 

Vào công ty một thời gian, chưa thấy lương và thu nhập nhưng ông Hiếu lại phải đóng từ 5-8 triệu đồng mỗi tháng để mua sản phẩm.

Đem số tiền hơn 200 triệu đồng tích góp được từ bao nhiêu năm để tham gia vào Công ty Đa cấp Tân Hy Vọng và không biết bao giờ mới nhận lại được số tiền này. Đó là hậu quả để lại sau hơn 2 năm trót  rơi vào cơn lốc đa cấp của ông Trần Văn Hiếu ở thôn Đồi Mây, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút (tỉnh Đăk Nông). Ông Hiếu cho biết năm 2012, ông được một người bạn giới thiệu là có công việc rất hấp dẫn, không tốn nhiều thời gian nhưng có thể được mức thu nhập 50 triệu đồng mỗi tháng nên sau đó ông được nhận lời làm hội viên chính thức của mạng lưới bán hàng đa cấp của Công ty Tân Hy Vọng. Vào công ty một thời gian, chưa thấy lương và thu nhập nhưng lại phải đóng từ 5-8 triệu đồng mỗi tháng để mua sản phẩm. Tuy nhiên, sau gần 1 năm thì ông được cấp giấy chứng nhận kèm với số tiền 50 triệu đồng. Thấy có tiền, ông lại vận động con cháu trong gia đình tham gia cùng. Sau đó mỗi tháng lại tiếp tục đóng tiền, thế nhưng chẳng thấy khoản lương nào nữa.

Ông  Hiếu nói: "Khi đi hội thảo tôi thấy công ty nói hay  sản phẩm nào cũng tốt, mình được ăn hoa hồng lương cao, nên tôi cũng tham lợi nhuận . Đi hội thảo về tôi tham gia đầu tiên song rồi tôi lại động viên con cháu trong gia đình, sau đó tôi lại vận động bà con bạn bè với tôi cũng tham gia. Tôi  tin tưởng công ty quá".

Tại nhà ông Hiếu, mấy hộp thực phẩm chức năng của Công ty Tân Hy Vọng giờ đã mốc meo vì không dùng đến, đem bán lại thì không ai mua nhưng dùng thì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông Hiếu cho biết người dân ở những vùng sâu, vùng xa do thiếu thông tin, nhẹ dạ cả tin nên bị thiệt hại như ông là rất nhiều; và không ít người đã để lại sau lưng mình những món nợ không biết đến khi nào mới trả hết.

Theo Công an xã Đăk Wil cho biết, rất khó thống kê bao nhiêu người tham gia cũng như thiệt hại vì đa cấp trên địa bàn xã vì nạn nhân ngại trình báo cơ quan chức năng. Thời gian qua, xã đã tuyên truyền vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không để việc này tái diễn, tránh để xảy ra việc tiền mất, tật mang cho người dân.

Anh Lê Văn Toản, Phó trưởng Công an xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết: "xã Đắk Wil là xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, chương trình bán hàng đa cấp nó tự phát , có các đối tượng ở nơi khác đến vận động dân . Sau một thời gian vỡ lở ra thì công an mới vào cuộc. Khó khăn là khi công an làm việc thì họ không hợp tác ".

Sau công ty Liên Kết Việt cũng như nhiều công ty đa cấp khác lừa đảo người dân mà báo chí phản ánh thời gian qua, hiện nay nhiều người dân cũng đã bắt đầu nhận biết và cảnh giác trước những dấu hiệu của loại hình kinh doanh đa cấp biến tướng. Hiện các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các công ty kinh doanh đa cấp hoạt động sai quy định. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người dân cần phải tỉnh táo, tránh rơi vào bẫy kinh doanh đa cấp. Đừng bao giờ tin vào các khoản lãi suất kếch sù mà không phải bỏ sức lao động để làm ra ./.

Phan Đông-Tuấn Bình


Lượt xem: 68

Trả lời