Chư Sê đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

Cập nhật 10/8/2020, 08:08:13

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được xem là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra các sản phẩm an toàn cho các sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, đứng trước nhu cầu cấp bách đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ người dân vực dậy kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng phù hợp, tháng 5/2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê ban hành Nghị quyết chuyên đề số 11 NQ/HU về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025”. Cùng với chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các ngành liên quan như ngành NN&PTNT, KH&CN, việc ứng dụng, đưa Nghị quyết vào thực tế đã tạo những hiệu ứng tích cực cho nền nông nghiệp địa phương.

Triển khai Nghị quyết, UBND huyện Chư Sê xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025”. Đề án được thực hiện ban đầu với việc hỗ trợ người dân 3 xã Ia Bă, Ia H’Lốp và Ia Tiêm nguồn kinh phí 648 triệu đồng để trồng 16,2 ha cây dược liệu.  Đây cũng là địa bàn được huyện phát triển vùng dược liệu tập trung với những loại cây chủ yếu, gồm cà gai leo, Hà thủ ô đỏ, Đương quy, cà gai dài… HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quang Minh là đơn vị được lựa chọn để liên kết hỗ trợ thêm 30% vốn đầu tư, kĩ thuật, và kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Với tính khả thi của đề án, nhiều nông dân trên địa bàn cũng đã phát triển các loại cây dược liệu này, hiện đã lên tới hơn 700 ha. Chư Sê trở thành địa phương đứng đầu tỉnh về diện tích cây dược liệu, có định hướng sẽ phát triển loại cây này lên 1000 ha đến năm 2025.

Ông Đào Hùng Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Quang Minh, Chư Sê cho biết: “Chúng tôi được tạo điều kiện để hoạt động, cả về cơ chế, chính sách đến nguồn vốn đầu tư. Người dân khi là thành viên HTX được hỗ trợ nhiều mặt, trong đó, lợi nhuận sẽ được chia đều theo các năm. Sản phẩm khi làm ra được thu mua 100%. Người dâm chỉ việc góp công sức để làm cây dược liệu đúng chuẩn hữu cơ theo yêu cầu”.

Không chỉ dựa vào nguồn hỗ trợ từ Đề án, cấp ủy, chính quyền, các đơn vị trên địa bàn huyện Chư Sê đã triển khai đưa Nghị quyết vào thực tế với nhiều cách khác nhau. Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng và nhân rộng các mô hình, đề tài từ nguồn vốn KH&CN, từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp đã triển khai, xây dựng hàng chục mô hình mới làm thí điểm cho người dân học tập, đặc biệt hướng đến sự ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thành công có các mô hình: “Trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao”, trồng dâu nuôi tằm, trồng nấm mối, nuôi gà Ai Cập siêu trứng… Hầu hết các mô hình, dự án đã thành công, một số đến giai đoạn bước vào khai thác, cho nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với cây trồng trước đây của nông dân.

Ông Phan Viết Dũng – Tổ 3, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê bày tỏ: “Khi mà có dịp tham gia dự án này thì mình rất là thích. Đây là xúc tác ban đầu, hỗ trợ một phần vốn con giống rồi, mình sẽ làm tiếp nữa, vì đã được trải nghiệm rồi. Mình nghĩ nông dân cũng nên mạnh dạn tham gia áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, công nghệ là điều cần phải học hỏi để đưa hiệu quả kinh tế nông nghiệp lên nữa”.

Bà Lê Thị Loan – Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Chư Sê cho biết: “Từ khi ban hành Nghị quyết, chúng tôi đã đưa nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đến nông dân. Trong năm 2020 chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các mô hình mới với những hộ có nhu cầu, có nhiệt huyết để người dân ứng dụng và nhân rộng”.

Để có được bước phát triển mạnh mẽ, ngoài các chương trình, đề án được gây dựng dựa trên nền tảng sẵn có, huyện xác định nhiều giải pháp then chốt, trong đó tập trung thu hút nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt xây dựng liên kết bền vững theo chuỗi giá trị. Đây được coi là phương án mà Nghị quyết xác định, nhằm giải bài toán đầu ra của nông sản mà nông dân trên địa bàn nhiều năm qua luôn phải đối mặt. Cùng với đó là khẳng định sự lãnh đạo, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương về một Nghị quyết trọng tâm, gắn với lợi ích sát sườn của nhân dân.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Huyện ủy Chư Sê trao đổi: “Chúng tôi ban hành Nghị quyết nhằm kích thích doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Để bà con mạnh dạn chuyển đổi từ diện tích cây tiêu chết. Bắt đầu từ năm 2019 với cây dược liệu. Bước đầu thấy được sự phấn khởi của người dân trong dự án này. Hi vọng năm 2020 sẽ phát triển hơn nữa. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của huyện trong nhiệm kì 2020- 2025, và cũng phù hợp với định hướng, Nghị quyết về phát triển cây dược liệu của Tỉnh ủy”.

Có thể quá sớm để khẳng định hiệu quả của một Nghị quyết mới được ban hành, nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Chư Sê phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tạo tiền đề để kinh tế nông nghiệp của huyện sẵn sàng với những mục tiêu lớn trong giai đoạn tiếp theo./.

Minh Lý, Viễn Khánh


Lượt xem: 129

Trả lời