Chư Pưh: Hướng đi đúng trong phát triển kinh tế trang trại

Cập nhật 27/12/2016, 07:12:25

Trên địa bàn huyện Chư Pưh hiện có khoảng 215 trang trại, chủ yếu là trang trại trồng trọt. Kinh tế trang trại (KTTT) của địa phương phát triển đã tạo ra bước chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Chư Pưh phát triển theo hướng đa dạng hóa, giải quyết việc làm cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

27-12-chupuh

Hiện trên địa bàn Chư Pưh có 198 trang trại trồng trọt và 17 trang trại chăn nuôi

Trong số 215 trang trại hiện có của huyện thì chủ trang trại hầu hết là nông dân. Ðiều này cho thấy, nông dân ở Chư Pưh đã và đang là lực lượng tiên phong và nhạy bén khi tiếp cận với nền sản xuất mới. Đây chính là con đường  ngắn nhất để nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Phạm Văn Bồn, Thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang, Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Gia đình tôi vào lập nghiệp tại đây cũng đã được mười mấy năm, lúc đầu cũng chỉ sản xuất theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, nhưng sau nhờ tích lũy được vốn liếng và đất đai nên đã đầu tư phát triển kinh tế theo hướng trang trại. Hiện Gia đình có 5 ha tiêu, mấy năm trước được mùa nên cũng thu nhập khá tốt”…

Từ việc xác định đúng đắn vai trò của KTTT, những năm qua, cùng với cơ chế chính sách chung của Nhà nước, của tỉnh, huyện Chư Pưh đã tập trung hình thành được những vùng kinh tế trang trại chuyên sâu, như cây hồ tiêu, cà phê và chăn nuôi… thu hút nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng phát triển KTTT.

Theo Phòng NN&PTNT huyện hiện trên địa bàn Chư Pưh có 198 trang trại trồng trọt và 17 trang trại chăn nuôi, trong đó có 18 trang trại đã được huyện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.

Anh Lê Hồng Quang, Chủ trang trại chăn nuôi xã Chư Đôn, Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Hiện tôi đang chăn nuôi 1.000 con heo thịt cho Cty CP theo mô hình trang trại chăn nuôi xanh, được Cty giám sát từ khâu chọn giống, thức ăn, kiểm soát dịch bệnh và bao tiêu đầu ra. Mỗi lứa heo xuất chuồng sau khi trừ hết mọi chi phí tôi còn thu được 95 triệu đồng. Tới đây được sự đồng ý của Cty, tôi đang đầu tư xây dựng trang trại để chăn nuôi 2.000 con heo nữa theo mô hình chuồng trại lạnh”.

Có thể nói, mô hình kinh tế này đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho lao động địa phương. Đặc biệt, phát triển KTTT đã làm thay đổi căn bản nếp nghĩ và cách làm trong đồng bào DTTS tại chỗ, bởi trước đây bà con chỉ quen sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác lạc hậu thì nay, nhờ làm công trong các trang trại, họ đã có điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học; làm quen với máy móc phục vụ sản xuất và tách ra thành lập trang trại riêng với vai trò người làm chủ.

Anh Nguyễn Long Khánh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh, Gia Lai nói:  Chư Pưh là huyện được thiên nhiên ưu đãi bằng chất đất ba dan màu mỡ rất thuận lợi cho các loại cây công nghiệp dài ngày, như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều và chăn nuôi đại gia súc… chính vì vậy phát triển KTTT là con đường  ngắn nhất để người nông dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Có thể nói, mô hình kinh tế này đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho lao động địa phương…

Từ thực tế phát triển KTTT những năm qua, có thể khẳng định KTTT ở Chư Pưh phát triển đúng hướng đã mang lại hiệu quả thiết thực cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Việc sử dụng có hiệu quả đất đai, tạo nên sự phát triển trong sản xuất nông nghiệp. Từ KTTT người nông dân tích lũy được vốn, kinh nghiệm trong quản lý và sản xuất, tích tụ được ruộng đất. Mặt khác, cũng từ KTTT đã thúc đẩy việc hình thành các nhà máy chế biến tập trung  tạo điều kiện thu hút lao động nông thôn, tạo ra sự phân công lao động mới, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo và thúc đẩy quá trình CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn ở địa phương./.

Quốc Anh,Minh Trí


Lượt xem: 198

Trả lời