Cần có sự đầu tư cho thương hiệu Khoai lang Lệ Cần

Cập nhật 09/4/2017, 05:04:13

Nhắc đến các sản vật nông sản ở Gia Lai, chắc hẳn không ít người không nhắc đến khoai lang Lệ Cần, một loại khoai ngon nổi tiếng từ khá lâu đời trên đất Tây Nguyên. Một trong những vùng đất rất hợp với khoai lang Lệ Cần đó là xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa. Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do diện tích khoai lang Lệ Cần trên vùng đất này đang dần bị thu hẹp một cách đáng tiếc. Nếu không có kế hoạch mang tính chiến lược lâu dài thì chắc chắn rằng, trong thời gian không xa, khoai lang Lệ Cần sẽ chỉ còn trong ký ức của đất và người Gia Lai. Làm thế nào để thương hiệu khoai lang Lệ Cần thực sự phát triển và có chổ đứng vững chắc trong xu thế phát triển kinh tế vẫn là điều rất đáng quan tâm với những nông dân mang nhiều tâm huyết và nhất là các nhà quản lý tại địa phương.

Theo tính toán của chị Trang ở xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa thì so với nhiều nông sản khác, khoai lang Lệ Cần vẫn cho thu nhập ổn định hơn và không cần phải tốn nhiều công chăm sóc, bón phân như một số loại cây trồng khác. Tuy nhiên đối với vụ mùa năm nay, mặc dù rất muốn xuống giống để trồng khoai lang Lệ Cần nhưng do không còn quỹ đất nên chị Trang đành phải chuyển hướng làm kinh tế làm bằng cách cắt dây giống bán cho người khác.

Chị Đặng Thị Thùy Trang – Thôn 3 – Xã Tân Bình – Đăk Đoa cho biết: “Xưa giờ người ta nghỉ trồng nhiều rồi, mấy năm nay mới trồng lại khoai. Nhưng giờ không có đất ở đâu mà trồng. Mình cũng ưng làm nhưng không có đất”.

Xã Tân Bình, trước đây là xã Lệ Cần thuộc huyện Đăk Đoa được xem là thủ phủ của khoai lang Lệ Cần, một loại khoai ngon nổi tiếng của Gia Lai. Có thể vì khí hậu và nhất là chất đất đặc biệt ở nơi đây nên giống khoai này trở nên ngon hơn hơn khi trồng tại đất này. Khoai lang Lệ Cần được xem là dễ trồng, dễ chăm sóc và cho năng suất, chất lượng cao. Tính theo giá thị trường thì hiện nay mỗi kg bán từ 8-10 ngàn, mỗi sào thu về xấp xỉ 80 triệu đồng. Đây là con số thu nhập chấp nhận được so với nhiều loại nông sản khác. Chính vì thế, trong kế hoạch phát triển kinh tế, địa phương cũng chú tâm bảo tồn, phát triển loại nông sản này song song với nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.

Anh Lê Công Nguyên – Cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Tân Bình – Đăk Đoa cho biết: “Trong thời gian tới, địa phương định hướng cho người dân chú trọng tăng diện tích cũng như khuyến cáo nông dân chuyển một số diện tích cà phê già cỗi sang trồng khoai lang trước là cải tạo chất đất, sau đó tăng thêm thu nhập và nhất là phát triển khoai lang Lệ Cần”.

Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, diện tích trồng khoai lang Lệ Cần thu hẹp một cách đáng kể để chuyển sang trồng cà phê, cao su, hồ tiêu. 4 năm trở lại đây, chưa năm nào xã Tân Bình vượt quá 50ha đất nông nghiệp chuyên dành cho khoai lang Lệ Cần, thậm chí vụ mùa năm 2012-2013, toàn xã chỉ có xấp xỉ 10ha trồng khoai.

“Đối với góc độ địa phương, mong muốn lớn nhất đó là hiện nay đó là có quỹ đất diện tích chuyên canh cây khoai lang. Quỹ đất đó khoảng 40-45ha và nên tập trung để người dân chuyên canh sản xuất”,anh Lê Công Nguyên – Cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Tân Bình – Đăk Đoa cho biết.

 Từ nhiều năm nay, vấn đề quy hoạch diện tích đất chuyên canh cho khoai Lệ Cần tại chính thủ phủ của nó vẫn là điều quan tâm hàng đầu của không ít nông dân và cả lãnh đạo cơ sở. Theo tính toán, xã Tân Bình chỉ cần xây dựng được vùng chuyên canh từ 40-45ha thì khoai lang Lệ Cần sẽ ổn định phát triển quanh năm. Bởi lẽ, với diện tích đó, nông dân dễ đầu tư từ kỹ thuật chăm sóc, bón phân và nhất là giữ được giống nguyên bản nhằm đảm bảo màu sắc, vị ngon đặc trưng của khoai Lệ Cần./.

Thu Thủy – Vân Anh -R’Piên


Lượt xem: 195

Trả lời