Thay đổi nếp nghĩ nhờ được đào tạo nghề ở các làng vùng DTTS

Cập nhật 22/5/2019, 08:05:07

Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai ở Gia Lai đã gần 10 năm. Trong khoảng thời gian đó, rất nhiều lao động ở nông thôn đã được đào tạo nghề một cách bài bản nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Nhưng trên hết, việc được đào tạo nghề đã giúp cho lao động nông thôn, nhất là lao động trong các làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm một cách tích cực, đóng góp quan trọng vào sự đổi thay của buôn làng.

Trước đây, những công việc như thế này, anh Ksor Wi, buôn Bir, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa phải nhờ đến các thợ lành nghề là người Kinh sửa chữa. Mỗi lần như thế anh mất ít nhất từ 100 đến 500 ngàn, tùy theo mức độ hư hỏng của chiếc máy cắt cỏ hay các chi tiết trong chiếc máy cày này. Tuy nhiên, giờ đây anh đã có thể tự mình sửa chữa mọi hư hỏng của các loại máy móc phục vụ cho công việc nhà nông của gia đình. Có được điều này là cách đây gần 2 năm, anh đã đăng ký học lớp sửa chữa máy cắt cỏ, máy bơm thuốc trừ sâu và xe công nông, xe máy cày, do trường Trung cấp Kinh tế Kĩ thuật Nam Gia Lai mở ngay tại làng.

Anh Ksor Wi, Buôn Bir, xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa, Gia Lai cho biết:  “Trước kia mình chưa biết gì hết, nhưng sau khi học lớp nghề đó thì giờ đây mình đã biết sửa chữa các loại máy móc để làm nông nghiệp được tốt hơn. Và điều đặc biệt là khi học rồi mình mới biết được việc tiết kiệm chi phí cho gia đình rất quan trọng vì số tiền đó thay vì sửa chữa máy móc thì mình có thể dùng làm những việc khác quan trọng hơn”.

Bà Hoàng Thúy Hoa, Phó Trưởng phòng LĐ – TB&XH  thị xã Ayun Pa, Gia Lai cho biết: “Việc áp dụng những kiến thức đã học đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Đồng thời giúp họ tự tạo việc làm để tạo nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo tại buôn làng”.

Chính vì nhận thấy tầm quan trọng của việc được đào tạo nghề một cách bài bản như vậy, cho nên thời gian qua, rất nhiều lao động trong các làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện đã dành thời gian, công sức để đăng ký học các nghề tập trung tại trường Trung cấp kinh tế kĩ thuật Nam Gia Lai. Các nghề mà những học viên này lựa chọn đều phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương như trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, và một số nghề thông dụng khác.

Chị Hiao H’Muil, Buôn Tờ Khế, huyện Ia Pa, Gia Lai nói:  “Khi chưa học lớp Bảo vệ thực vật thì mình không biết phải bón phân như thế nào, phun thuốc như thế nào cho hợp lí để cây trồng không bị chết. Giờ học rồi mới biết. Về mình sẽ tuyên truyền lại cho bà con trong làng để họ làm tốt hơn, chứ trước đây cứ ra cửa hàng, người Kinh bảo mua gì về phu thì làm theo chứ không có biết.”

Có thể thấy, với các chương trình đào tạo được triển khai phù hợp thực tế, lao động nông thôn là đồng bào dân tộc thiểu số tại nhiều buôn làng đã thay đổi nếp nghĩ để chủ động hơn trong sản xuất, áp dụng khoa học kĩ thuật nhằm mở rộng sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, từ đó tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống gia đình./.

Quốc Linh, Mạnh Hà


Lượt xem: 34

Trả lời