Tổng kết Kế hoạch 1123 của UBND tỉnh Gia Lai và đánh giá công tác giao, khoán quản lý, bảo vệ rừng

Cập nhật 31/3/2023, 14:03:17

Chiều 31/3, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Kế hoạch 1123 ngày 23/3/2017của UBND tỉnh về việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng và đánh giá công tác giao rừng, khoán rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thực hiện Kế hoạch 1123 của UBND tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thành lập Ban chỉ đạo thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Từ năm 2017 đến nay, đã tổ chức được hơn 3.250 buổi tuyên truyền, thu hút hơn 227.000 lượt người tham gia. Qua đó, đã vận động 19.450 hộ dân kê khai diện tích nương rẫy đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp với tổng diện tích hơn 37.000 ha; đồng thời, triển khai trồng được hơn 11.000 ha rừng trên diện tích đã kê khai. Đối với diện tích rừng, đất lâm nghiệp trên 723.000 ha đã giao các ban quản lý, công ty lâm nghiệp, cộng đồng dân cư, lực lượng vũ trang quản lý… là gần 515.000 ha; còn lại trên 208.000 ha do UBND cấp xã quản lý. Đến nay, có gần 25.000 ha rừng được giao các cộng đồng dân cư với trên 6.300 hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ rừng.

Ý kiến thảo luận tại Hội nghị cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai Kế hoạch 1123 của UBND tỉnh gặp nhiều khó khăn khi diện tích rừng bị lấn chiếm chủ yếu là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đã sản xuất nông nghiệp từ lâu, manh mún, nhỏ lẻ và đây là nguồn thu nhập chính của người dân. Mặt khác, nhận thức của người dân và chính sách hỗ trợ trồng rừng cũng như chính sách hưởng lợi từ trồng rừng thấp nên công tác vận động, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và vận động người dân trồng rừng gặp nhiều khó khăn; diện tích đất rừng bị lấn chiếm đã kê khai chỉ chiếm khoảng 30% so với tổng diện tích người dân đang sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch lâm nghiệp. Đơn giá chi trả cho công tác giao, khoán quản lý, bảo vệ rừng còn thấp, không đồng đều, bình quân khoảng 300.000 đồng/ha/năm… Qua đây, các địa phương cũng kiến nghị điều chỉnh một số quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc trong chính sách hỗ trợ trồng rừng để khuyến khích, vận động người dân kê khai đất rừng đã lấn chiếm để trồng rừng; cũng như các chính sách về giao đất lâm nghiệp, giao rừng nhằm phát huy hiệu quả kinh tế từ rừng đối với các cộng đồng dân cư, hộ dân nhận khoán để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững./.

Đức Hải – Duy Linh


Lượt xem:

Trả lời