Tăng cường vốn tín dụng chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 03/10/2019, 08:10:48

Cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, những năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đồng vốn tín dụng chính sách đã giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ đó chất lượng cuộc sống không ngừng được cải thiện. Phóng sự thực hiện tại huyện Kbang:

Chị Đinh Thị Quyên – Làng Đăk Bok, xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Trước đây gia đình mình thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn, vất vả lắm, đi làm thuê thôi, không đủ ăn. Cũng nhờ vay được tiền Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu tiên là 5 triệu, rồi lên 15 triệu, giờ là 40 triệu nên mới có điều kiện đầu tư, chăm sóc cà phê. Năm vừa rồi gia đình đã được công nhận thoát nghèo, giờ là hộ cận nghèo. Hai vợ chồng cố gắng làm ăn để sớm thoát nghèo”.

Với hơn 1 ha cà phê, 2 sào đậu đen, nhờ chăm sóc tốt nên sau khi trừ chi phí đầu tư mỗi năm vợ chồng chị Đinh Thị Quyên cũng tích lũy được 40-50 triệu đồng. Từ số tiền tích lũy được, năm vừa rồi vợ chồng chị đã sửa lại căn nhà khang trang hơn.

Còn đây là vườn cà phê của gia đình chị Đinh Thị Đới ở làng Kon Lanh, xã Đăk Rong, huyện Kbang. Trước đây không có tiền đầu tư nên năng suất đạt thấp, mỗi năm cũng chỉ thu được vài ba triệu đồng. Cũng nhờ vốn vay tín dụng chính sách, có điều kiện đầu tư chăm sóc nên vườn cà phê  đã phục hồi, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Gia đình chị Đới hiện là một trong những gia đình tiêu biểu trong phong trào lao động sản xuất của xã Đăk Rong.

Chị Đinh Thị Đới – Làng Kon Lanh, xã Đăk Rong, huyện Kbang, Gia Lai  cho biết: “Bà con ở đây mà không có nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ thì cũng khó khăn lắm, muốn đầu tư phát triển sản xuất nhưng không có vốn. Nên cuộc sống cứ khó khăn là vậy. Vay vốn mà biết cách làm ăn thì cũng cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn. Như gia đình mình trước đây rất khó khăn, giờ thì cũng ổn rồi. Ngoài cà phê thì hai vợ chồng đang muốn trồng thêm chanh dây để tăng thêm thu nhập”.

Thực tế cho thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kbang. Tuy nhiên hiện nay nhiều hộ vẫn ngại vay vốn. Lý do được bà con đưa ra là vay về không biết làm gì, sợ không có tiền trả lãi cho ngân hàng. So với nhiều địa phương khác, hiện nay dư nợ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Kbang còn thấp với tổng số 286 tỷ đồng của 7.750 hộ vay. Trong đó, một số xã như: Krong, Đăk Rong, Kon Pne, Lơ Ku…dư nợ đạt rất thấp.

Bà Đinh Thị Thu Hiền, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Kbang là một huyện rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo là ĐBDTTS chiếm hơn 90%. Hầu hết bà con không biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên mức vay vốn chưa cao, thậm chí có hộ chưa mạnh dạn vay vốn.  Với vai trò là đơn vị thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, chúng tôi tiếp tục cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền vận động hiệu quả đối với hộ nghèo để bà con mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất”.

Kbang là 1 trong 5 huyện được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới của cả nước. Đến nay, huyện chỉ mới có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo kế hoạch năm 2019 sẽ có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã còn lại sẽ hoàn thành vào năm 2020. Để hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới vào cuối năm 2020, hiện nay huyện Kbang đang ưu tiên tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. trong đó đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Kbang hiện nay.

Hồng Uyên, Minh Trung


Lượt xem: 30

Trả lời