Sắc màu văn hoá độc đáo trong lễ cầu mưa của người Bahnar

Cập nhật 17/4/2024, 06:04:11

Người Bahnar có nhiều lễ hội, như: Lễ tạ ơn cha mẹ, lễ bỏ mả, lễ tạ ơn thần lúa, lễ cầu mưa, lễ cúng bến nước… Những lễ hội không chỉ là dịp để đồng bào tạ ơn trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, sức khỏe, bình an… mà còn là dịp để bà con trình diễn, giới thiệu nét văn hóa độc đáo của dân tộc

Ngay từ sáng sớm, người dân trong làng tập trung tại khu vực tổ chức lễ cúng, già làng và một số người cao tuổi chuẩn bị các lễ vật dâng lên thần linh, trang trí cây nêu để thực hiện nghi lễ. Các vật phẩm phục vụ lễ cúng, như: Rượu ghè, thịt gà, thịt heo… được bày biện xung quanh khu vực cây nêu.

Sau khi lễ vật chuẩn bị xong, già làng khấn mời các vị thần núi, thần sông, (Yang Kông, Yang Đak…) về thụ lễ, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi.

Già làng Pak – Làng Hnap, xã Kdang, huyện Đak Đoa, Gia Lai khấn: “Ơi thần núi, thần nước, thần thổ địa, hôm nay chúng tôi dâng lên lễ vật: Thịt heo, thịt gà, rượu ghè, mời các vị thần chứng dám cho dân làng, cầu xin cho mưa xuống, để dân làng làm ăn thuận lợi, trồng mì, bắp, lúa… Cây nào cũng tốt tươi, mùa màng bội thu… Cảm ơn các thần linh đã phù hộ cho dân làng chúng tôi.”

Theo bà con địa phương, Lễ cúng cầu mưa thường được tổ chức vào trung tuần tháng 4 đến hết tháng 4 hàng năm, là tín ngưỡng phồn thực, mang theo ước vọng của cư dân nông nghiệp, cầu mong mùa màng bội thu, mọi người đều khỏe mạnh, bình an, không xảy ra thiên tai, địch họa…

Anh Nưn – Trưởng thôn làng Hnap, xã Kdang, huyện Đak Đoa, Gia Lai phấn khởi nói: “Lâu nay, bà con chúng tôi vẫn duy trì tổ chức cúng bến nước, cúng cầu mưa, nhưng chủ yếu là làm đơn giản, phát huy tính đoàn kết của bà con cùng tham gia. Hôm nay, được huyện, xã quan tâm phục dựng lại bà con rất phấn khởi, chúng tôi sẽ luôn duy trì tiếp nối cho đời sau…”

 Bà Đặng Thị Hoài – Giám đốc Trung tâm VH, TT & TT huyện Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu, khảo sát các làng để nắm xem nơi nào có lễ hội, nhất là đứng trước nguy cơ mai một thì thống nhất với bà con để phục dựng, tôn trọng chủ thể và tính nguyên bản, bà con là người quyết định cách thức tổ chức. Mục tiêu, vừa bảo tồn vừa hướng tới phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới.”

Với đồng bào Bahnar, lễ cầu mưa là nghi lễ vừa thể hiện tấm lòng của dân làng đối với các vị thần linh, đồng thời thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong làng, tạo nên sức mạnh cộng đồng; là sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên và thần linh.

Sau khi phần lễ kết thúc, các đại biểu tham dự và bà con dân làng cùng tham gia phần hội, thưởng thức rượu ghè, cơm lam, gà nướng và các món ăn truyền thống của địa phương. Đây là dịp để bà con chung vui, hưởng thành quả sau những tháng ngày lao động vất vả trên nương rẫy.

Song Nguyễn – Ksor Tuối – Minh Trung


Lượt xem: 121

Trả lời