Quốc hội thảo luận về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Cập nhật 29/10/2021, 18:10:15

Theo chương trình làm việc, hôm nay (29/10), Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) và nghe Tờ trình của Chính phủ về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 tờ trình trên. Đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì điểm cầu trực tuyến tại tỉnh Gia Lai.

Tại phiên họp chiều nay, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT trình bày dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Bộ trưởng Bộ TN&MT trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025 và nghe Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo thẩm tra về 2 tờ trình trên,  Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai và lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan đã thảo luận tại tổ đối với các tờ trình trên gắn với tình hình thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Theo đó, các đại biểu  thống nhất cao với dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được đề xuất gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra với 130 nhiệm vụ cụ thể được phân công cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện. Đặc biệt, trước những tác động của dịch bệnh Covid-19, các đại biểu đề nghị việc cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định để có giải pháp phù hợp.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu: “Trong cơ cấu kinh tế phải quan tâm phát triển giữ rừng, bảo vệ rừng và kinh tế rừng, điều này đã được xác định trong các NQ và được thể hiện trong các kế hoạch của tỉnh, quy hoạch quốc gia sớm đưa NQ đi vào cuộc sống, phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên và liên kết vùng cần quan tâm trong thời gian tới. Kịch bản cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần đánh giá sâu sắc gắn với tình hình dịch bệnh Covid-19 với nhiều kịch bản phù hợp. Cần đánh giá sát hơn các chỉ tiêu và quan tâm nông nghiệp, nông dân, nông thôn xuyên suốt kế hoạch sử dụng đất, gắn với đảm bảo đời sống người dân, phát triển”.

Đ/c Đinh Văn Thê – Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai  nêu: “Tôi cơ bản nhất trí, đồng tình với báo cáo của CP và Ủy ban Kinh tế. Kế hoạch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025, tôi đề nghị vấn đề tái cơ cấu, TW đổi mới mô hình tăng trưởng, địa phương cần mô hình gì để thúc đẩy tăng trưởng, cải cách thể chế là cải cách gì, đề nghị cần làm rõ. Đối với 5 mục tiêu không đạt kế hoạch cần nghiên cứu thời hạn thực hiện và cố gắng thực hiện”.

Đ/c Rơ Châm H’Phik – Chủ tịch UBMTTQVN huyện Chư Pah, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cũng nêu ý kiến: “Một số giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, tôi hoàn toàn thống nhất với tỉ trọng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên vì phù hợp với sự phát triển của đất nước. Tôi cũng thống nhất với kế hoạch hát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và đề nghị hậu Covid nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, Chính phủ cần có giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vực dậy hậu Covid”.

Đối với Tờ trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025), các ĐBQH tỉnh Gia Lai thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng thời đề nghị cần quan tâm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc quy hoạch sử dụng đất trong thời gian tới.

Đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu “Tôi thống nhất cần làm rõ chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trong thời gian qua, trong đó có những quy hoạch vì theo dư luận là quy hoạch theo lợi ích của nhà đầu tư, nguyên nhân quy hoạch sử dụng đất chưa tốt 2016-2020, nhiều tỉnh, thành chưa điều chỉnh được quy hoạch sử dụng đất. Việc quy hoạch tỉnh ta cũng giống các tỉnh, thành và QH sẽ tổ chức giám sát việc thực hiện ở các tỉnh, thành. Vấn đề sử dụng 2021-2025, 2021-2030 gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Vì phát triển kinh tế và các lĩnh vực đều cần quy hoạch và quy hoạch sử dụng đất là rất quan trọng. 3 vấn đề này đi song song với nhau thì QH, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo để cơ cấu nền kinh tế, quy hoạch các tỉnh, thành và quy hoạch của từng ngành như nông nghiệp, đô thị… để địa phương và TW tập trung chỉ đạo thì kế hoạch quy hoạch lại nền kinh tế mới đi vào đời sống”.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị đối với vấn đề phát triển phát triển kinh tế số, cần cụ thể hóa đối với từng ngành, lĩnh vực để đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện, đồng thời quan tâm đến cơ cấu vùng, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân./.

Thiên Thanh, Thanh Sáng

 


Lượt xem: 10

Trả lời