Nhiều khó khăn để phát triển cây mì trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao

Cập nhật 22/7/2022, 15:07:30

Với hơn 81 ngàn ha, tỉnh Gia Lai hiện là địa phương có diện tích mì lớn nhất cả nước. Tuy nhiên năng suất, sản lượng lại đạt thấp hơn so với nhiều nơi khác nên thu nhập từ cây trồng này còn thấp và bấp bênh. Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để phát triển cây mì trở thành cây hàng hóa, phát huy được thế mạnh của sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của tỉnh Gia Lai là nhiều diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút. Năm 2021, toàn tỉnh có 12.475 ha mì bị khảm lá,  chiếm  hơn 15% tổng diện tích mì toàn tỉnh.

Mặc dù cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con không trồng lại các giống mì đã nhiễm bệnh, thay vào đó là những giống mì sạch bệnh. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng rất khó khăn trong việc tìm mua cây giống nên phần lớn sử dụng lại giống cũ hoặc mua trôi nổi trên thị trường.

Chị Rah Lan Hnghit Thôn Mơ Nang 2, xã Kim Tân, huyện Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Nhà mình trồng mì lâu rồi, nhưng sao mấy năm nay bị khảm lá nhiều lắm, cây toàn lá, củ nhỏ, năng suất không có nên bán đâu được bao nhiêu tiền. Nhiều đám bỏ không chăm sóc nữa vì bệnh nhiều, không biết làm cách nào để hết bệnh”.

Ông Phan Xuân Thành, xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, Gia Lai cho biết: “Tôi mua giống mì của thương lái chở đi bán, thấy đâu thì mua đó chứ đâu biết là mì bị bệnh hay không? Mua về trồng thì thấy bị bệnh khảm lá nhiều quá. Cũng muốn có được giống mì sạch bệnh để trồng nhưng không biết mua ở đâu nữa”.

Do mắc bệnh khảm lá vi rút dẫn đến năng suất và thu nhập từ trồng mì ở tỉnh Gia Lai đạt thấp hơn so với nhiều địa phương khác trong nước. Năng suất mì của tỉnh Gia Lai trung bình đạt khoảng 20 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng, thậm chí có vùng còn thấp hơn. Trong khi đó ở Tây Ninh, năng suất mì đạt trên 40 tấn/ha, thu nhập gấp đôi so với tỉnh Gia Lai.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT  cho biết: “Để phát triển cây sắn được bền vững hơn, chúng ta phải đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ nhất là không chạy theo diện tích.  Phải nghiên cứu để cho ra được bộ giống sắn có năng suất, chất lượng, kháng được sâu bệnh. Có giống thì phải nhân rộng giống và quản lý giống tốt, đồng thời nghiên cứu gói kỹ thuật cho từng vùng miền. Chúng ta phải thay đổi quan niệm lâu nay là cây dễ tính, giảm nghèo, nhưng thực tế hiện nay có nơi làm giàu nhờ sắn như Tây Ninh”.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Gia Lai cho biết: “Hiện nay cả nước có trên 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn , tuy nhiên đặt ở Đông Nam Bộ là chính. Tây Nguyên có diện tích lớn nhất cả nước nhưng chỉ có 20 nhà máy. Đây là cái bất cập, chính điều này mà hiệu quả mang lại cho DN và người dân chưa cao. Đối với Gia Lai diện tích lớn như vậy nhưng chỉ có 4 nhà máy, công suất cũng nhỏ, công nghệ chế biến cũ. Riêng Tây Ninh diện tích hơn 60 ngàn ha nhưng có đến 60 nhà máy. Đây cũng là vấn đề đặt ra, đề xuất cơ cấu lại đặt các nhà máy, đưa tỷ trọng về chế biến. Khi chế biến sâu thì sẽ tăng cường tiêu thụ nội địa, góp phần tăng thu ngân sách mà lâu nay chúng ta chưa tận dụng được”.

Hai rào cản lớn nhất hiện nay cần được giải quyết để sản xuất cây mì ở Gia Lai đạt hiệu quả kinh tế cao đó là đảm bảo cung ứng nguồn giống sạch bệnh và tăng tỷ trọng chế biến sâu… Có như vậy, Gia Lai mới phát huy được lợi thế về phát triển cây mì, đồng thời tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Vì mì hiện là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam, là nước xuất khẩu và sản phẩm từ mì đứng thứ 3 thế giới và đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu.

Hồng Uyên, Ksor Tuối


Lượt xem: 7

Trả lời