Nét đẹp văn hóa công sở trong môi trường sư phạm

Cập nhật 27/9/2019, 14:09:18

Có thể nói, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thì việc thực hiện văn hóa công sở trong những năm qua luôn được ngành giáo dục tỉnh Gia Lai nhà đặc biệt quan tâm. Bởi việc thực hiện tốt văn hóa công sở sẽ tạo ra môi trường sư phạm trong sáng, mẫu mực góp phần thực hiện tốt các quy chế, chuẩn mực trong môi trường học đường. Và để các em hứng thú hơn trong học tập thì mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng mẫu mực để các em học tập và noi theo.

Có thể hiểu rằng, văn hóa công sở trong trường học đó là việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức, tác phong nghề nghiệp, ngôn ngữ giao tiếp trong mối quan hệ ứng xử giữa các thầy cô giáo với nhau và giữa thầy với trò. Và tất nhiên tùy vào mỗi cấp học và ở những độ tuổi khác nhau sẽ có những chuẩn mực thực hiện về văn hóa sao cho thực sự phù hợp với mục đích cuối cùng là tạo ra môi trường sư phạm lành mạnh, an toàn và thân thiện.

Khác với các em ở lứa tuổi cấp trung học cơ sở (THCS), THPT, đối với các em độ tuổi mẫu giáo, tiểu học thì đây được xem là lứa tuổi còn khá non nớt trong mọi hoạt động. Chính vì vậy mà cách ứng xử của giáo viên đối với các em cũng cần phải mềm dẻo, nhẹ nhàng để làm sao học sinh ở lứa tuổi này luôn cảm thấy mình được quan tâm.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương, Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương, Gia Lai cho biết: “Theo tôi bậc học càng nhỏ thì các cô càng phải để ý đến các em nhiều hơn. Để ý ở đây là ngoài việc dạy kiến thức thì các cô cần phải để ý đến sự an toàn của các em, để ý từng lời nói cử chỉ, hành động của các em nữa vì các em còn nhỏ nhiều cái các em chưa nhận thức được thì chúng ta cần phải uốn nắn từ trong lời nói đến hành động để cư xử với các em và quan trọng hơn cả là chúng ta phải quan tâm đến tâm tư, tình cảm của các em nữa”.

Phong trào thi đua “cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Gia Lai thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 – 2025 được UBND tỉnh Gia Lai phát động vào tháng 7/2019. Theo đó, ngày 23/9/2019 Sở GD&ĐT Gia Lai ban hành kế hoạch 1589 về tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” trong ngành giáo dục tỉnh Gia Lai giai đoạn 2019 – 2025. Đây cũng chính là một trong những phong trào thi đua dạy tốt – học tốt của các trường.

Cô giáo Dương Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, Tp. Pleiku, Gia Lai cũng nói: “Từ khi nhận được kế hoạch thực hiện văn hóa công sở ở đơn vị  thì trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh chúng tôi cũng đã phối hợp với Công đoàn xây dựng và đề ra kế hoạch nội quy cơ quan, nội quy đơn vị. Thực ra văn hóa công sở đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi giáo viên lâu nay rồi nhưng bây giờ bắt đầu thực hiện văn hóa công sở được các cấp triển khai giống như cán bộ, giáo viên, nhân viên trường chúng tôi sẽ ăn sâu vào tiềm thức hơn nữa và thực hiện tốt văn hóa công sở hơn nữa”.

Năm học 2019 – 2020, toàn ngành GD&ĐT tỉnh có trên 400 ngàn học sinh  ở các bậc học từ mầm non đến THPT. Theo ngành giáo dục thì một trong các chuẩn mực đầu tiên của người giáo viên trong xây dựng nét đẹp văn hóa công sở là thực hiện một cách nghiêm chỉnh về trang phục, mối quan hệ giao tiếp làm sao cho thật mềm dẻo, nhã nhặn phù hợp với hình ảnh của người giáo viên. Mỗi thầy, cô giáo luôn là tấm gương sáng mẫu mực để học sinh học tập và noi gương. Để làm được điều này, ngành GD&ĐT cũng đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết: “Ngành GD&ĐT sẽ phải phối hợp với các sở, ban ngành với các hội đoàn thể cùng các địa phương thực hiện 5 nhiệm vụ chính được UBND tỉnh giao thứ nhất là nâng cao tuyên truyền, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; thứ 2 là thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học; thứ 3 là đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức ứng xử trong trường học; thứ tư là nâng cao năng lực ứng xử  văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử và thứ 5 là tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử”.

Trong môi trường giáo dục hiện nay, văn hóa công sở được xem là nét đẹp của ngành sư phạm, làm sáng ngời hình ảnh cao đẹp của  “Người giáo viên nhân dân”, tạo môi trường thân thiện, học sinh tích cực. Chính vì vậy mà việc thực hiện văn hóa công sở cần được toàn ngành phát huy một cách thường xuyên, xem đây là phong trào thi đua nhằm đổi mới sáng tạo trong dạy và học./.

Lệ Xuân, Thanh Sáng


Lượt xem: 92

Trả lời