Hà Tây bảo tồn văn hóa cồng chiêng Bahnar

Cập nhật 13/3/2022, 13:03:50

Thời gian qua, xã Hà Tây, huyện Chư Pah luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tham gia bảo tồn văn hóa cồng chiêng Bahnar. Qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và khẳng định được giá trị không gian văn hóa của cồng chiêng.

Trong đời sống của người Bahnar ở xã Hà Tây, huyện Chư Pah thì cồng chiêng vừa có giá trị tâm linh, vừa có giá trị văn hóa truyền thống lâu đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì vậy địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trên địa bàn biểu diễn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Ngoài công tác tuyên truyền vận động, xã còn tổ chức các lễ hội cồng chiêng, mở các lớp dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ và đưa các đội cồng chiêng đi biểu diễn tại các tỉnh, thành trên cả nước. Đến nay, trên địa bàn xã còn lưu giữ 14 bộ cồng chiêng và nhiều đội cồng chiêng thường xuyên biểu diễn tại các dịp lễ hội của làng.

Ông Nguyễn Đức Minh – Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây, huyện Chư Pah cho biết: “Để bảo tồn phát triển cồng chiêng, thông qua các nghệ nhân, các làng cũng có kế hoạch buổi tối thứ 7, chủ nhật hướng dẫn cho các đội cồng chiêng của các làng. Trong đó có đội cồng chiêng người lớn tuổi, đội cồng chiêng nhí và đội cồng chiêng nữ. về cái vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng thì được duy trì thường xuyên.”

Anh Thúi đang sinh sống tại làng Kon Măh, xã Hà Tây. Anh biết đánh chiêng đã hơn 20 năm. Thường xuyên tham gia biểu diễn cồng chiêng tại các lễ hội của làng, huyện, tỉnh, anh rất tự hào về cồng chiêng của dân tộc Bahnar. Bởi qua từng nhịp chiêng, người Bahnar đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, niềm say mê và sự kiêu hãnh của một dân tộc.

Anh Thúi – Làng Kon Măh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh nói: “Tôi đi tham gia cồng chiêng tôi thấy rất là vui, với lại nhớ lại truyền thống hồi xưa. Do bố mẹ ngày xưa cũng đánh chiêng khi khánh thành nhà rông, Lễ bổn mạng hoặc lễ giọt nước mới. Như thế tôi thấy vui, cũng muốn tham gia. Bây giờ dạy cho  con cháu mình tham gia giống mình ngày xưa.”

Thông qua những nghệ nhân, xã Hà Tây đã tổ chức truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ để văn hóa cồng chiêng không bao giờ bị mai một.

Em Đăng – Làng Kon Măh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh bày tỏ: “Năm nay con 11 tuổi, con rất thích đánh chiêng. Con đánh chiêng con vui.”

Ngoài ra, những thanh niên trên địa bàn xã Hà Tây cũng rất nhiệt tình tham gia các đội cồng chiêng tại làng; đồng thời chịu khó học hỏi và tập luyện, lưu giữ văn hóa cồng chiêng BahNar.

Em Khôi – Làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, huyện Chư Păh chia sẻ: “Em bắt đầu đánh cồng chiêng từ năm 15 tuổi, em muốn lưu giữ lại cái phong tục và bản sắc của dân tộc BahNar.”

Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự nhiệt tình của nhân dân nên xã Hà Tây, huyện Chư Pah đã làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ được văn hóa cồng chiêng của người Bahnar. Qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và xây dựng địa phương giàu bản sắc.

Diễm Ly – Bùi Đại Chư Pah


Lượt xem: 11

Trả lời