Gia Lai thực hiện quyết liệt các giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính

Cập nhật 19/10/2020, 13:10:51

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước  giai đoạn 2011 – 2020 trên địa bàn tỉnh, những năm qua công tác này luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định là khâu đột phá trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, từ đó đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kết quả công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính – một trong những nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đã có những giải pháp mang tính đột phá và đạt được một số kết quả tích cực, qua đó góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Phóng sự sau ghi nhận những nỗ lực của tỉnh về thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính, trong đó riêng về công tác cải cách thủ tục hành chính, nhiều thủ tục đã được rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và công khai đúng quy định. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.972 thủ tục hành chính, trong đó có 320 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 160 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, còn lại  các dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và  2 được đồng bộ bộ từ Cổng dịch vụ công quốc gia về Cổng dịch vụ công của tỉnh. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện nghiêm túc. Đến nay, 100% sở, ban, ngành của tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình “một cửa”, “một cửa điện tử liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 100% sở, ban, ngành tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Nhờ đó, việc luân chuyển văn bản điện tử được thực hiện liên thông 04 cấp.

Tiếp tục thể hiện quyết tâm rất lớn của tỉnh về đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, tháng 9 năm 2018 UBND tỉnh đã quyết định đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (TTPVHCC) đi vào hoạt động. Đến nay, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, TTPVHCC đã phát huy tốt vai trò của mình, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn rất thấp, còn lại phần lớn nhận được sự ủng hộ, hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong tỉnh.

Chị Trần Hương Thảo, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên cho biết: “Thời gian qua tôi cũng có đến đây để làm một số thủ tục. Ở đây các nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn tận tình quá trình làm thủ tục từ tiếp nhận đến giao trả hồ sơ đúng thời gian. Vừa rồi có vướng một cái là biểu mẫu mới ở bên công ty cũng như các đối tác của công ty chưa cập nhật kịp thời nên khi gửi hồ sơ thì có sai so với quy định thì bên tiếp nhận hồ sơ đã kịp thời phản hồi lại để mình sửa chữa và thực hiện trong ngày. Việc hướng dẫn như vậy đã giúp cho doanh nghiệp sớm hoàn thành các thủ tục hồ sơ theo quy định”.

Anh Nguyễn Công Đức, Người dân thị xã An Khê nói: “Hôm nay tôi đến để đổi giấy phép lái xe. Tôi thấy ở đây thì tiện lợi, chụp hình tại chỗ và được hướng dẫn bài bản, tôi thấy rất hài lòng”.

Ông Phan Văn Đồng, Người dân huyện Chư Prông cũng cho biết: “Tôi là người dân ở huyện lên và được sự hướng dẫn nhiệt tình của nhân viên ở đây nên rất tiện lợi như: chụp hình tại chỗ, tôi rất hài lòng với cách phục vụ và làm việc ở đây, mong muốn những mô hình này  giờ đã tốt rồi tiếp tục tốt hơn nữa để người dân được tiếp cận thuận lợi các thủ tục hành chính”.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục hành chính, TTPVHCC cùng các sở, ban, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện thí điểm Đề án chuyển giao một số nhiệm vụ dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh để Bưu điện thực hiện.Đây được xem là giải pháp tạo thêm bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.Trước đây khi mới thành lập, thay vì các sở, ban, ngành phải bố trí cán bộ công chức làm việc tại TTPVHCC để tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thì nay đã chuyển giao sang cho Bưu điện tỉnh thực hiện sau khi các nhân viên bưu điện đã được hỗ trợ, tập huấn hướng dẫn để đáp ứng các yêu cầu trong quá trình tiếp nhận hồ sơ. Việc thực hiện thí điểm đề án này bước đầu cho thấy đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cả các cơ quan nhà nước. Nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Đề án này là một trong những sáng kiến mà Trung ương đánh giá cao và được cộng điểm trong thang điểm về chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: “Đề án chuyển giao này là một sáng kiến. Trong chỉ số CCHC trong năm 2019 thì cùng với các sáng kiến khác thì sáng kiến chuyển một số dịch vụ hành chính công từ TTPVHCC thuê Bưu điện thực hiện được Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan của Trung ương công nhận đó là một sáng kiến. Trên cơ sở đó tỉnh Gia Lai được cộng 2 điểm về sáng kiến CCHC năm 2019. Khi chuyển sang đây thì tỷ lệ sử dụng dịch vụ công ích cũng tăng lên đáng kể. Riêng 6 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ tăng 45% sử dụng dịch vụ Bưu chính công ích”.

Với những nỗ lực của tỉnh như vậy nên chỉ số chỉ số cải cách hành chính không ngừng được nâng cao. Cụ thể, năm 2019 chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đạt 80,58/100 điểm, cao hơn năm 2018 là 6,02 điểm, xếp vị trí 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 9 bậc so với năm 2018. Theo kết quả công bố, chỉ số SIPAS(chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) năm 2019 của tỉnh Gia Lai đạt 84,45%, cao hơn năm 2018 là 10,24%, xếp vị trí 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 18 bậc so với năm 2018. Những nỗ lực của tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính đã làm gia tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt tác động mạnh mẽ đến vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, từ đó Gia Lai đã gặt hái được nhiều trái ngọt về thu hút đầu tư. Chỉ tính riêng trong vòng 5 năm qua, Gia Lai đã thu hút được trên 515 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 800 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 5 về số dự án và 36 lần tổng mức đầu tư so với giai đoạn 2011 – 2015. Với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Gia Lai trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách khá hạn hẹp thì với số lượng dự án và nguồn lực đầu tư từ bên ngoài lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng như vậy, rất nhiều tiềm năng, lợi thế trên các lĩnh vực được khai thác có hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngày càng bền vững.

Hồng Uyên, Xuân Huy


Lượt xem: 126

Trả lời