Cao su kém hiệu quả, nông dân lại loay hoay tìm hướng chuyển đổi cây trồng

Cập nhật 06/3/2019, 21:03:16

Sau 8 năm trồng và đầu tư chăm sóc nhưng đến thời điểm thu hoạch thì cây cao su không đạt năng suất, giá cả lại xuống thấp nên nhiều hộ trồng cao su ở xã Ayun, huyện Mang Yang đã chặt bỏ để tiếp tục chuyển sang cây trồng khác. Khó khăn của hơn 100 hộ tham gia Dự án phát triển cao su tiểu điền ở xã Ayun hiện nay là việc tìm nguồn trả nợ cho ngân hàng và loay hoay với bài toán tìm hướng chuyển đổi cây trồng cho phù hợp.

Toàn bộ diện tích cao su của gia đình anh Huyên ở làng  Bông, xã Ayun đã chặt bỏ chuyển sang trồng cà phê. Sau 8 năm đầu tư vốn, công chăm sóc, cây cao su lại phát triển kém, anh chưa có được nguồn thu nào. Giờ gia đình anh chỉ biết trồng chờ vào 5 sào cà phê mới trồng trên diện tích cao su đã phá bỏ.

Anh Huyên chia sẻ: “Trước đây vay tiền làm cao su 7 triệu, trồng cao su lớn 8 năm cạo mủ không có giờ mình phá cao su trồng cà phê cũng không biết ra sao nữa. Nếu cà phê thu hoạch được mình lấy cà phê trả ngân hàng. Làng mình bây giờ phá cao su trồng cà phê nhiều, chỗ nào xa nước để lại cây cao su, gần nước trồng cà phê. Có người đi cạo mủ mà ít mủ lắm, giá cũng thấp, trả không đủ ngày công”.

Dự án trồng cao su tiểu điền triển khai tại xã Ayun, huyện Mang Yang từ năm 2011 với trên 100 hộ dân ở 3 làng  Bông, Atur, Ta Đum tham gia. Tuy nhiên, không như kỳ vọng, đến thời kỳ thu hoạch cây cao su đã rớt giá, lượng mủ rất thấp. Vốn đầu tư ban đầu chưa kịp thu hồi, lợi nhuận chưa thấy đâu, không thể chờ đợi được nữa, nhiều hộ đã chặt bỏ cao su chuyển sang trồng cà phê, tràm…  Trong tổng số hơn 100 ha cao su trên địa bàn xã, 50% diện tích đã chuyển sang cây trồng khác, nhiều diện tích đã bỏ không từ 3 năm nay.

Ông Mai Thanh Chung – Phó Chủ tịch UBND xã AYun, huyện Mang Yang cho biết: “Sau khi bà con nhận làm dự án cao su tiểu điền, 1 số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo cầm bìa đỏ cho ngân hàng, ngân hàng xuống phối hợp với bà con tuyên truyền không nên chuyển đổi cây trồng. Xã cũng báo cáo huyện đề nghị xem xét dự án cây cao su tiểu điền, đề xuất  khoanh nợ, gia hạn nợ cho bà con. Xã cũng khuyến cáo bà con dự án cây cao su tiểu điền tài sản chủ lực là bìa đỏ của bà con hiện đang nằm ở ngân hàng. Trước mắt chưa có chủ trương gì của cấp trên chỉ đạo xuống, xã cũng khuyến cáo bà con chuyển đổi từ từ phải có kế hoạch, hiện đã lập danh sách báo cáo xin ý kiến, chủ trương của huyện có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con”.

Trong khi chờ đợi chính quyền địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, diện tích cao su bị chặt bỏ vẫn chưa dừng lại ở đây, nhiều hộ đang tiếp tục phá bỏ vườn cao su để tính chuyện chuyển sang canh tác cây trồng khác. Và điệp khúc “trồng – chặt” tiếp tục tái diễn đang đẩy nhiều nông dân lâm vào tình cảnh lao đao./.

Kim Châu, Duy Linh


Lượt xem: 27

Trả lời