Cần có biện pháp giải quyết tình trạng lấn chiếm đất rừng

Cập nhật 28/3/2016, 10:03:32

Mặc dù tình trạng lấn chiếm đất rừng đã diễn ra và tồn tại từ nhiều năm nay nhưng đến nay một số địa phương vẫn chưa có những biện pháp khắc phục, xử lý dứt điểm. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, khả năng diện tích đất lâm nghiệp ngày càng bị thu hẹp là điều khó tránh khỏi, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn. Phóng sự thực hiện tại thị xã An Khê. 

 

Hầu hết các hộ dân ở đây đều khai hoang thêm các diện tích đất xung quanh để canh tác.

Sau khi lập gia đình, ông Lê Văn Ba tách hộ từ thôn An Điền Bắc 1 lên thôn An Điền Bắc 2, xã Cửu An làm nhà ở và canh tác ở đây. Căn cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông chỉ có hơn 3 sào đất trồng cây lâu năm. Thế nhưng, ông Ba cho biết ngoài nhà ở, hiện nay ông còn có hơn 1,5 ha đất sản xuất xung quanh khu vực nhà ở.

Ông nói: “Đất này trước đây của ông già để lại cho. Khi lên đây thì cũng tự khai hoang thêm để sản xuất, trồng trọt hoa màu, tạo thu nhập. Ở đây cũng hơn chục năm nay rồi”.

Không riêng gì trường hợp ông Ba mà hầu hết các hộ dân ở đây cho biết đều khai hoang thêm các diện tích đất xung quanh để canh tác.

Ông Đỗ Văn Lực, thôn An Điền Bắc 2, xã Cửu An, thị xã An Khê cho biết: “Khu vực phía dưới kia họ cũng lấn chiếm đất rừng để sản xuất, dưới đó đều không ai có giấy tờ gì hết, cứ tự lấn chiếm, khai hoang làm thôi”.

Theo thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, đơn vị hiện được giao quản lý một số tiểu khu trên địa bàn thị xã An Khê, ngoài diện tích hơn 500 ha đất lâm nghiệp người dân đã lấn chiếm để làm nhà, canh tác ổn định hàng chục năm nay chưa được giải quyết dứt điểm, thì từ năm 2010 đến nay đã xảy ra 32 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên lâm phần đơn vị quản lý với diện tích hơn 142 ha.

Ông Đỗ Hữu Long, Phó Trưởng Ban QLRPH Bắc An Khê cho biết: Sau khi xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất trên diện tích rừng trồng do BQL được giao. BQL đã phối hợp với cấp xã, lực lượng kiểm lâm tổ chức ngăn chặn nhưng thực tế người dân tinh vi khi chỉ chặt phá vào ban đêm nên BQL đã báo cáo Thị xã An Khê chỉ đạo đoàn liên ngành truy quét, xử phạt.

Ngoài lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê, hiện tại hơn 658 ha đất lâm nghiệp của Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội đang được giao quản lý cũng bị lấn chiếm. Trong đó, hơn 590 ha đã bị người dân địa phương xâm canh từ trước những năm 1998, còn lại bị lấn chiếm trong vòng 3 năm trở lại đây. Không chỉ lấn chiếm để canh tác, một số còn sang nhượng lại cho người khác khi có nhu cầu.

Ông Trần Quốc Tùng. Làng Pốt, xã Sông An, thị xã An Khê cho biết: Đất này ông mua lại của một người Kinh ở đây. Chỉ mua sang tay thôi không có giấy tờ gì cả.

Tính chung cả Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê và Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội, đến nay diện tích bị lấn chiếm lên đến hơn 1.600 ha.

     Vì sao, tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn ra trên quy mô lớn như vậy và kéo dài nhiều năm qua không những không được giải quyết dứt điểm mà còn phát sinh thêm?

Ông Trương Duy Sinh, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội cho biết: “Để xảy ra tình trạng đất rừng bị lấn chiếm như vậy, rõ ràng có một phần trách nhiệm của đơn vị quản lý rừng. Tuy nhiên chúng tôi cũng có những khó khăn nhất định, địa bàn quản lý rộng, lực lượng mỏng trong khi chúng tôi lại không được trang bị các phương tiện hỗ trợ và không được xử lý khi phát hiện mà chỉ báo cáo để các đơn vị chức năng xử lý. Để xử lý được tình trạng lấn chiếm đất rừng chúng tôi nghĩ chính quyền địa phương cần có trách nhiệm hơn nữa trong công tác phối hợp”.

Sẽ có những khó khăn khi thực hiện các biện pháp xử lý tình trạng lấn chiếm đất rừng. Tuy nhiên, vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích chung của quốc gia và của cả cộng đồng, thiết nghĩ các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần sớm có những biện pháp xử lý kiên quyết tình trạng lấn chiếm đất rừng như hiện nay. Thực tế không chỉ xảy ra ở thị xã An Khê mà đây còn là thực trạng của nhiều địa phương khác trong tỉnh. 

Hồng Uyên – Nhật Thành-Minh Trí


Lượt xem: 109

Trả lời