Bất cập trong quá trình cung cấp điện ở nông thôn

Cập nhật 25/11/2013, 13:11:51

Hơn 3 năm qua, gần 200 hộ dân tại xã Ia Băng và Ia Phìn, huyện Chư Prông phải chịu cảnh trả tiền điện thắp sáng, điện bơm nước tưới tiêu với giá cao ngất ngưởng. Đây là một nghịch lý mà các hộ nông dân phải gồng mình gánh chịu, trong khi đó người được xem là đại diện và bán điện cho người dân luôn tự cho mình quyền định đoạt giá và thời gian sử dụng điện….

 

Người dân bức xúc với cách tính giá điện tùy tiện của chủ thầu nên phản ảnh với phóng viên.

 

Tờ hóa đơn mua bán điện của hộ anh Giáp

 

Cầm trên tay những tờ giấy tính tiền điện suốt 3 năm qua, hàng chục người dân đại diện cho gần 200 hộ sống tại thôn Phú Tân, Phú Vinh xã Ia Băng và cả xã Ia Phìn – huyện Chư Prông bức xúc chỉ cho chúng tôi số tiền mà họ phải bỏ ra để mua điện và thậm chí cả cái cách tính chỉ số điện ở mức trên trời mà một chủ thầu bán điện lại cho người dân. Việc tính giá điện bất hợp lý và nhiều khoản khác được nhà thầu tự đưa ra kéo dài trong nhiều năm nay đang gây bức xúc trong nhân dân.

 

Trong tâm trạng bức xúc ông Tào Văn Tước-Thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông cho biết: “Như ở ngoài đường người ta thu 1,4 nghìn đến 1,6 nghìn đồng 1 số điện sinh hoạt. Nhưng ở đây anh ấy thu và bắt chúng tôi đóng từ 2,2 nghìn đến 2,5 nghìn đồng 1 số điện thì tôi thấy vô lý quá. Chúng tôi là người dân thì không biết thế nào cả, bây giờ chúng tôi chỉ biết anh thu thế nào thì chúng tôi nộp thế thôi”.

 

Cũng trong tâm trạng bức xúc, ông Vũ Đình Cuộc-Thôn Phú Tân – Ia Băng – Chư Prông dẫn chứng: “Chúng tôi không dùng văn bản mà chỉ cam kết bằng miệng và anh ấy nói rằng sẽ tính tiền đúng với giá Nhà nước, tôi lấy dẫn chứng cụ thể khi hệ thống điện vừa được kéo về năm 2011 là anh ấy thu 1,7 nghìn đồng và từ năm 2012 anh ấy tăng giá điện lên cao, hết sức bất cập, mất hợp lý là do anh ấy tình quân bình gì đó, bắt đầu đến năm 2013 lên tới 2,6 nghìn/1 số điện tiêu dùng. Vấn đề này người dân chúng tôi hết sức bức xúc và nhiều khi cũng ra hỏi và cũng đã từng họp, có nhờ xã, thôn có ý kiến hỏi anh ấy, nhưng nhà thầu trả lời hết sức qua loa rồi nói ai thắc mắc thì lên hỏi điện lực…”.

 

Vào năm 2008, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn Phú Vinh ký hợp đồng mua bán điện với Công ty điện Gia Lai. Để tiện cho việc quản lý, kéo dây hạ thế từ ngoài trục quốc lộ vào khu vực dân cư, ông Hùng bỏ ra 1,9 tỷ đồng đầu tư 2 trạm điện và khoảng 10.000m dây. Và muốn được sử dụng điện, những hộ dân ở các thôn nói trên phải đóng lại cho ông Hùng 12 triệu trên 1ha vườn – gọi là tham gia cổ đông. Sau đó, tùy theo mức sử dụng điện hàng tháng, các hộ này tiếp tục đóng tiền theo chỉ số điện tại công tơ và 10 nghìn đồng trên 1 công tơ khi chủ thầu tiến hành chốt số điện.

 

Chính ở góc độ độc quyền như thế nên ông Hùng áp giá thế nào, người dân cũng phải chịu và quan trọng hơn là tính bao nhiêu số điện cũng phải móc hầu bao chi trả. Trong đó nhiều hộ do không đóng tiền cổ đông nên buộc phải dùng điện bơm tưới với giá trung bình 6.000đ/kwh.

 

Cụ thể như hộ anh Lê Huy Giáp-Xã Ia Phìn – Chư Prông, trao đổi với chúng tôi anh Giáp cho biết: “Ngày 13/4/2013 gia đình chúng tôi có 380 cây cà này, mà phải đóng hơn 10 triệu đồng tiền điện, thế thì chúng tôi tưới vào đâu. Bây giờ điện do anh ấy mắc chẳng lẽ gia đình tôi tự mắc điện vào công tơ để tự đóng tiền à, đó là không đúng….”.

 

Do đã cam kết ngay từ ban đầu về việc sử dụng điện giữa hơn 200 hộ dân với gia đình ông Hùng nên bà con tin tưởng và phó thác việc tính tiền điện và cả cách tính số điện sử dụng cho nhà thầu. Nhưng việc tính tiền và nhất là cách tính số điện hàng tháng ở đây lại khá tùy tiện không theo một quy chuẩn nào.

 

Anh Đặng Trung-Thôn Phú Vinh – Ia Băng – Chư Prông: “Trong đường dây tổng của ông ấy, nếu mà 1 hoặc 2 nhà chưa đóng tiền điện là ông ấy cúp toàn bộ điện của người dân ở trong thôn hết…”.

 

Ông Vũ Đình Quốc-Thôn Phú Vinh – Ia Băng – Chư Prông khẳng định: “Chuyện này do quyền của ông ấy hết, ông ấy thích thì ông ấy cắt, còn thích để thì ông ấy để. Có nghĩa là dân chúng tôi thuê ông ấy mua đồng hồ rồi về ông lắp, tiền bao nhiêu chúng tôi trả, trong khi lúc thì ông ấy bảo đồng hồ chạy chậm, lúc ông ấy lại bảo đồng hồ hư”.

 

Việc hơn 200 hộ dân ở Ia Băng, Ia Phìn, huyện Chư Prông phải sử dụng điện giá cao ngất ngưởng không phải đến bây giờ mới được nói đến mà đã nhiều lần người dân phản ánh với chính quyền xã và cơ quan quản lý điện trực tiếp là điện lực Chư Prông. Nhưng đến thời điểm hiện nay mọi việc vẫn chỉ như “Đá ném ao bèo”…./.

Đoàn Bình – Thu Thủy-Xuân Huy


Lượt xem: 61

Trả lời