Xung quanh việc giải phóng mặt bằng Dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú

Cập nhật 09/12/2018, 15:12:06

Để giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn về công tác triển khai dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú và những khó khăn đang gặp phải, mời quý vị và các bạn theo dõi phóng sự: “Xung quanh việc giải phóng mặt bằng Dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú”

Bụi bặm, lộn xộn và ô nhiễm. Đó là những gì đã tồn tại không dưới 2 năm tại khu vực suối Hội Phú, thuộc dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú đoạn từ đường Hùng Vương đến Nguyễn Tri Phương. Tại khu vực này, thành phố Pleiku đã giải tỏa hoàn thành 95/101 thửa đất, hiện còn 6 thửa, trong đó có 5 thửa của 3 gia đình ông Mai Xuân An, bà Mai Thị Bích Hà và ông Mai Xuân Phúc. Và đây cũng là nguyên nhân khiến dự án đang rất chậm tiến độ.

UBND thành phố Pleiku cho biết: Lãnh đạo và cơ quan chức năng của TP đã nhiều lần tổ chức đối thoại với gia đình ông Mai Xuân An, bà Mai Thị Bích Hà, ông Mai Xuân Phúc về phương án đền bù, hỗ trợ nhưng không thành. Quan điểm của các hộ trên, là việc thu hồi hơn 1.200 m2 đất nông nghiệp và một phần diện tích đất ở có mức bồi thường quá thấp, không đủ chi phí sửa chữa nhà cửa và sinh kế.

Dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú, điểm đầu từ đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Nguyễn Trung Trực của thành phố Pleiku là chủ trương  đúng đắn của tỉnh Gia Lai nhằm hạn chế tối đa sự ô nhiễm môi trường nơi đây cũng như tạo cảnh quan đô thị, phát triển quỹ đất cho thành phố. Dự án thực hiện có quy mô diện tích đất thu hồi hơn 163.000 m2  với 314 thửa của các hộ gia đình, cá nhân. Và đã có 284 gia đình, cá nhân chấp thuận mức đền bù, hỗ trợ.

Anh Nguyễn Văn Vinh – Tổ 1, phường  Hội Thương, TP. Pleiku cho biết: “Nhà tôi, tổng tất cả đền bù đất và tài sản trên đất hơn 800 triệu. Như vậy là cũng được. Để bù lại là môi trường xung quanh đó trong sạch vì lâu nay bị ô nhiễm lâu quá”.

Ông Ngô Văn Tùng – Chủ tịch UBMTTQVN phường Hội Thương, TP.Pleiku cũng cho biết: “Bản thân tôi và người dân xung quanh khu vực rất mong muốn dự án sớm thi công để bà con được nhờ”.

Dự án Kè chống sạt lở suối Hội Phú thực hiện từ năm 2014 với tổng mức đầu tư 520 tỷ đồng. Ngày 31/12/2018 là hạn cuối cùng phải hoàn thành công tác đầu tư, xây dựng. Như vậy, so với kế hoạch, tiến độ triển khai đã quá chậm trễ làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, sinh thái và quy hoạch phát triển chung của thành phố. Chính vì thế, để giải quyết dứt điểm những tồn đọng này, việc áp dụng các chế tài xử lý đang được chính quyền thành phố Pleiku tính đến.

Ông Nguyễn Kim Đại  – Phó Chủ tịch UBND TP.Pleiku – Trưởng ban cưỡng chế thu hồi đất cho biết: “Về mức độ giá đền bù, chúng tôi đánh giá đây là mức giá tương ứng. Điển hình là sự đồng thuận rất cao của nhân dân trên địa bàn. Cụ thể là đại đa số người dân đoạn Hùng Vương đến Nguyễn Tri Phương, nơi có gia đình ông Mai Xuân An sinh sống, 99% hộ đã thống nhất.

Về cưỡng chế thu hồi đất, sẽ thực hiện theo quy định. Mọi quyền lợi của người dân trong quá trình thực thi pháp luật về giải phóng mặt bằng vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên cũng có lưu ý đó là người dân nếu để bị phải cưỡng chế thì các chi phí cưỡng chế, đối tượng bị cưỡng chế phải chịu trách nhiệm”.

Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng là vấn đề luôn gặp nhiều khó khăn, phức tạp; tuy nhiên vì lợi ích chung nên các dự án khi được triển khai luôn nhận được sự đồng tình của  người dân; ở dự án kè Hội Phú cũng vậy, phần lớn các gia đình trong diện giải tỏa đã nhận tiền đền bù. Vì vậy, theo kế hoạch, nếu không thể tìm được tiếng nói chung, vào ngày 10/12/2018, thành phố Pleiku sẽ tiến hành cưỡng chế nhằm thực hiện kỷ cương của pháp luật./.

 

Thu Thủy, R’Piên


Lượt xem: 295

Trả lời