Sẵn sàng chào đón du khách thập phương đến với Lễ hội Hoa dã quỳ – Núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017

Cập nhật 29/11/2017, 10:11:11

Lễ hội Hoa Dã quỳ – Núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017 sẽ được tổ chức trong 03 ngày  (từ ngày 01 – 03/12) tại  xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah. Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức tại Gia Lai nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người; đồng thời khơi dậy tiềm năng du lịch và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Thời điểm này, nhân dân trong vùng đang háo hức, phấn khởi, chờ đến này khai hội; sẵn sàng chào đón du khách thập phương về với Lễ hội Hoa Dã quỳ – Núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017.

Những ngày này, Làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya nhộn nhịp hơn hẳn. Cờ, băng rôn quảng bá về lễ hội hoa dã quỳ – núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017 được treo khắp nơi, về đến tận cổng làng, khu vực nhà Rông – nơi sẽ diễn ra các hoạt động chính của lễ hội. Đường làng, ngõ xóm được người dân dọn dẹp sạch sẽ để chào đón du khách.

Chị Khin, Làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah cho biết: “Từ trước đến giờ chưa có lễ hội như thế này,dân làng mình rất vui và phấn khởi đón tiếp du khách đến. Chuẩn bị lễ hội dân làng mình sẽ múa xoang, hát múa, đánh chiêng. Trong gia đình mình tuy đông người, chật chội nhưng chúng tôi rất vinh dự được đón tiếp khách. Chúng tôi sẽ đáp ứng nhu cầu của khách như cơm lam, rượu ghè, cơm nếp, gà nướng”.

Anh Hưn, Làng Xóa, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah cũng nói: “Chuẩn bị tổ chức lễ hội hoa dã quỳ, thấy cũng vui, cũng mừng, dân trong làng rất phấn khởi. Vì hồi giờ chưa có một cái gì hết cả, giờ có cái lễ hội, đúng là vui”.

Được biết, chính quyền địa phương vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phục vụ cho lễ hội. Đã có 50 hộ dân đăng ký cho du khách ở lưu trú nếu có nhu cầu.

Anh Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah cho biết: “Các hộ dân rất hồ hởi, phấn khởi để đón chào du khách đến với địa phương.  Đồng thời cũng vận động và giao cho đoàn thanh niên bố trí, xây dựng gian hàng phục vụ cho du khách cũng như để bán, trưng bày những sản phẩm đặc trưng của địa phương như là khoai lang, dong riềng, bí đỏ cũng như là những sản phẩm du lịch đặc trưng như rượu ghè, gà nướng, cơm lam để phục vụ du khách trong những ngày diễn ra lễ hội”.

     Có thể nói, đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho một lễ hội thành công; đảm bảo các hoạt động của lễ hội diễn ra hiệu quả, an toàn, mang đậm bản sắc dân tộc, đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, của Gia Lai thân thiện và mến khách./.

Bích Thủy, Xuân Huy


Lượt xem: 126

Trả lời