Nhân rộng mô hình vườn rau thân thiện

Cập nhật 03/11/2020, 09:11:02

Được triển khai từ cuối năm 2018, đến nay mô hình vườn rau thân thiện của Hội Nông dân huyện Phú Thiện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ rất nhiều hộ dân và nhân rộng ra khắp các xã, thị trấn. Mô hình đã giúp người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số hình thành thói quen trồng rau sạch cải thiện bữa ăn, tăng thêm thu nhập.

 

Từ mục đích ban đầu là hình thành thói quen trồng rau sạch cải thiện bữa ăn gia đình, Hội Nông dân huyện đã vận động một số hộ nông dân tiêu biểu tham gia xây dựng mô hình điểm. Diện tích đất tham gia tối thiểu là 15m2 tại vườn nhà. Các hộ dân tham gia sẽ được tập huấn, hỗ trợ ngày công và hạt giống. Từ 50 hộ dân tham gia ban đầu, đến nay, mô hình vườn rau thân thiện đã được nhân rộng trên địa bàn huyện với hơn 500 hộ dân tham gia.

Bà Dư Thị Hạnh – xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện chia sẻ: “Được sự vận động của Hội Nông dân xã, gia đình tôi cũng tham gia làm vườn rau thân thiện, cải thiện bữa ăn gia đình rất hiệu quả. Đến nay, trong thôn ai cũng có vườn rau của gia đình”.

Từ thành công của những mô hình điểm, Hội Nông dân huyện tập trung nhân rộng mô hình ở các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dần hình thành thói quen trồng rau sạch, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn gia đình, từ đó cải tạo vườn tạp, tăng thêm thu nhập cho người dân. Trực tiếp cầm tay chỉ việc, đến nay hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết cách tận dụng các khoảnh đất trồng trong vườn nhà để trồng đa dạng các loại rau theo mùa, không sử dụng chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, biết tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi trộn với trấu để cải tạo đất, bón cho rau. Nhờ đó, đến nay, hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tham gia mô hình thân thiện đã bắt đầu nhân rộng diện tích trồng nhằm tăng thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện cho biết: “Trong thời gian tới Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn để thu hút quần chúng tham gia vào Hội ngày một nhiều hơn và tạo ra được nhiều mô hình mới để bà con hội viên nông dân phát triển”.

Sở dĩ mô hình vườn rau thân thiện dễ dàng nhận được sự hưởng ứng của bà con nông dân bởi nó thiết thực, đơn giản, dễ áp. Nhưng cái thành công nhất của mô hình là nhận được sự hưởng ứng tham gia của các hộ đồng bào người dân tộc thiểu số, không chỉ góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, tạo nguồn thu nhập, mà còn góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn thêm xanh-sạch-đẹp./.

Trương Trang, Duy Linh


Lượt xem: 167

Trả lời